Trung Quốc không tìm được người vận hành kính thiên văn khổng lồ

Trung Quốc đang tìm một chuyên gia nước ngoài để điều hành kính thiên văn lớn nhất thế giới mà nước này mới xây dựng, vì trong nước chẳng có ai đủ khả năng làm điều đó.
Trung Quốc không tìm được người vận hành kính thiên văn khổng lồ ảnh 1Kính viễn vọng của Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Trung Quốc đã xây dựng một kính thiên văn có độ lớn đáng kinh ngạc ở vùng núi non xa xôi phía nam, gọi là Kính viễn vọng Mặt cầu Khẩu độ Năm trăm mét - FAST.

Chiếc kính này lớn gần gấp đôi thiết bị giống với nó nhất là kính thiên văn vô tuyến Arecibo ở Puerto Rico, do Mỹ vận hành. Các hệ thống kính thiên văn kiểu này sử dụng một chảo parabol lớn để thu sóng vô tuyến từ các nguồn phát ở xa, ví dụ như các ẩn tinh và lỗ đen - hoặc thậm chí là các nền văn minh ngoài hành tinh.

Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc không có chuyên gia vận hành hệ thống kính khổng lồ này. Theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc đang tìm thuê một nhà thiên văn nước ngoài về làm việc, đơn giản vì không nhà thiên văn người Trung Quốc nào có kinh nghiệm quản lý một hệ thống quy mô và phức tạp như vậy.

Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã bắt đầu quảng cáo vị trí này trên các tạp chí khoa học, đồng thời đăng tin tuyển dụng ở phương Tây từ tháng 5, nhưng tới nay vẫn chưa có ứng viên nào đủ tiêu chuẩn.

[Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm kính viễn vọng lớn nhất thế giới]

Một lý do là các yêu cầu công việc khá nghiêm ngặt: Ứng viên phải có ít nhất 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, và người đó phải từng đảm trách vị trí lãnh đạo trong một dự án kính thiên văn vô tuyến quy mô lớn với kinh nghiệm quản lý rộng khắp. Ứng viên cũng phải có danh hiệu giáo sư hoặc giữ vị trí cấp cao ngang bằng tại một trường đại học hay viện nghiên cứu đẳng cấp thế giới.

Chỉ một số ít đủ điều kiện

Suntzeff, một nhà thiên văn học đã giúp dẫn dắt phát hiện về năng lượng tối và tham gia vào việc xây dựng kính thiên văn quang học Giant Magellan ở Chile cho biết thế giới chỉ có chừng 40 nhà thiên văn học đáp ứng được các điều kiện của công việc này. So với các môn thiên văn khác, thiên văn học vô tuyến là một lĩnh vực tương đối hẹp.

"Tôi tin chắc họ sẽ tìm ra ai đó thôi," ông nói. "Nhưng hầu hết các nhà thiên văn học Mỹ không thích làm việc ở nước ngoài. Như trong dự án của tôi, rất khó để thu hút ai đó nộp đơn ứng tuyển làm việc tại La Serena. Đây là điều khiến tôi không hiểu nổi, nếu xét đến cảnh quan xinh đẹp và sự dễ mến của người Chile tại đó."

Trong cộng đồng các nhà thiên văn học phương Tây cũng nổi lên những câu hỏi về mục đích khoa học của kính thiên văn FAST. ​Trong một đánh giá gần đây của Quỹ Khoa học Quốc gia về những cơ sở nghiên cứu trong nước, các quan chức Mỹ đã đặt kính viễn vọng Arecibo ở gần cuối danh sách các ưu tiên.

Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ giảm các hoạt động tại cơ sở này, vốn đã tiêu tốn của chính phủ khoảng 8 triệu USD hàng năm, để giải phóng tài chính cho các cơ sở mới hơn.

Cần biết rằng dù FAST lớn hơn Arecibo, nhưng kích thước hiệu dụng của nó thực tế không đến 500 mét vì hầu hết thời gian của chiếc kính này không nằm trong thiên đỉnh. Vì thế, kích thước hiệu dụng của nó chỉ là khoảng 400 mét, trong khi của Arecibo là 300m.

Arecibo còn có khả năng truyền sóng vô tuyến, biến nó trở thành một công cụ hiệu quả để xác định các mục tiêu như các tiểu hành tinh gần Trái Đất. Trong khi đó, FAST chỉ là một công cụ thu tín hiệu một cách thụ động.

Trong phần đánh giá của mình, câu hỏi chính của các quan chức Mỹ với Arecibo là về nhiệm vụ khoa học của nó so với các dự án mới hơn. Có lẽ lý do duy nhất để nó tồn tại chỉ là để xác định tín hiệu phát tới từ ngoài Trái đất, xem có tín hiệu nào tới từ các nền văn minh ngoài hành tinh hay không. Có vẻ như mục đích hoạt động hạn chế của các kính thiên văn vô tuyến khổng lồ này cũng là lý do để chẳng có nhà khoa học nào mặn mà vớiý tưởng dọn tới Trung Quốc làm việc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục