Trung Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất vào khu vực châu Phi

Giám đốc Ủy ban phát triển Rwanda-Trung Quốc cho biết Trung Quốc hiện là nước đầu tư lớn nhất vào châu Phi với số vốn hơn 200 tỷ USD năm 2014.
Trung Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất vào khu vực châu Phi ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: cironline.org)

Hiện nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc tại khu vực Đông Phi đã lên tới hàng chục tỷ USD, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng cơ sở, công nghiệp khai khoáng, giao thông vận tải, nông nghiệp, xây dựng, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, khách sạn...

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Đông Phi-Trung Quốc vừa tổ chức tại thủ đô Kigali của Rwanda, ông Francis Gatare, Giám đốc điều hành Ủy ban phát triển Rwanda-Trung Quốc (RCDC) cho biết, hiện nay Trung Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất vào châu Phi với số vốn đầu tư lên tới hơn 200 tỷ USD trong năm 2014, tiếp sau là Mỹ với 60 tỷ USD, Liên minh châu Âu (EU) là 30 tỷ USD.

Đồng thời, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này cũng là nước cung cấp tín dụng nhiều nhất cho các nước đang phát triển ở châu Phi, bao gồm Đông Phi thời gian qua. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nước đầu tư lớn nhất tại Rwanda với hơn 170 triệu USD, đặc biệt là công nghiệp khai khoáng, giao thông vận tải và xây dựng.

Sự hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp Rwanda với Trung Quốc đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây và là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của Rwanda phát triển nhanh trong khu vực, nhất là lĩnh vực đầu tư và thương mại song phương.

Theo ông Francis Gatare, điều mấu chốt nhất hiện nay trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia châu Á và châu Phi là sự di chuyển vốn đầu tư và trao đổi hàng hóa song phương đã thay đổi với những cách thức và biện pháp mới.

Theo các chuyên gia kinh tế quốc tế và khu vực, nhìn tổng thể hiện nay các nước châu Phi, trong đó có khu vực Đông Phi, đang nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhiều hơn là xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sang các quốc gia châu Phi cũng đã tăng gần 20%, đuổi kịp thị phần của các đối tác xuất khẩu truyền thống tại châu Phi như Mỹ và EU.

Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào châu Phi chỉ chiếm 4% tổng số FDI tại châu lục này, cho dù chỉ trong vòng 10 năm gần đây, Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cho châu Phi vay nhiều hơn Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong giai đoạn 2005-2014, Trung Quốc đã cho châu Phi vay hơn 80 tỷ USD, trong khi vốn của WB dành cho lục địa này ở mức 65 tỷ USD, trong lúc lãi suất của các ngân hàng Trung Quốc thấp hơn nhiều so các ngân hàng quốc tế khác, đặc biệt các điều kiện đi kèm cũng "thoáng" hơn.

Các nhà tài trợ phương Tây, hay còn gọi là các đối tác phát triển, luôn đòi hỏi điều kiện buôn bán tự do, mở rộng thị trường và tư nhân hoá..., là những điều rất khó thực hiện tại châu lục này.

Sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với châu Phi là rất hợp thời trong bối cảnh kinh tế trì trệ, chậm phát triển của nhiều nước tại đây, trong khi phương Tây lại liên tục đặt các đòi hỏi về sự minh bạch, trách nhiệm và mở cửa thị trường.

Các chuyên gia kinh tế trên cảnh báo châu Phi cũng cần nhìn lại những lợi ích sống còn của mình để tránh trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm hạng hai của Trung Quốc, trong khi cung cấp nguồn tài nguyên thiên nhiên thô với giá rẻ mạt.

Mặc dù sự phát triển cùng vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đã lôi kéo được nhiều quốc gia châu Phi, nhưng thời gian gần đây một số nước ở châu lục này như Ghana, Nam Phi, Angola cũng đã bắt đầu lên tiếng về những tác động tiêu cực từ các hoạt động xuất- nhập khẩu và lực lượng lao động của Trung Quốc gia tăng nhanh chóng tại châu lục này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục