Trung Quốc lập hệ thống định vị cạnh tranh GPS

Trung Quốc đã triển khai một hệ thống định vị vệ tinh thương mại mang tên Bắc Đầu nhằm cạnh tranh với hệ thống định vị GPS của Mỹ.
Trung Quốc đã triển khai một hệ thống định vị vệ tinh thương mại trên toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương, nhằm cạnh tranh với hệ thống định vị GPS của Mỹ. Theo tờ China Daily, hệ thống Bắc Đẩu đã bắt đầu cung cấp dịch vụ cho các ứng dụng dân sự trong khu vực từ ngày thứ Năm và sẽ mở rộng quy mô ra toàn cầu vào năm 2020. Ran Chengqi, phát ngôn viên Văn phòng dẫn đường vệ tinh Trung Quốc cho biết hệ thống định vị của nước này có thể "so sánh được" với GPS. "Các tín hiệu từ Bắc Đẩu có thể nhận được tại các nước như Australia" - ông nói. Đây là thành tựu mới nhất về công nghệ vũ trụ của Trung Quốc, nước đang có ý định xây trạm vũ trụ vào cuối thập kỷ này trước khi đưa người lên Mặt trăng. Trung Quốc xem chương trình không gian tham vọng trị giá nhiều tỉ USD là biểu tượng cho thấy sự tăng lên về vị thế của nước này trên trường quốc tế và là bằng chứng về sự thành công của Đảng Cộng sản trong việc biến đổi đất nước từng nghèo khó này trở nên hùng mạnh. China Daily cho biết hệ thống Bắc Đẩu gồm 16 vệ tinh định vị và 4 vệ tinh thử nghiệm. Tờ báo dẫn lời Ran nói rằng hệ thống sẽ dần cung cấp định vị và tính giờ trên toàn cầu. Việc khởi động ứng dụng thương mại của hệ thống Bắc Đẩu diễn ra chỉ một năm sau khi Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm hạn chế hoạt động định vị tại nước này. Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống định vị mới từ năm 2000 để không bị lệ thuộc vào GPS. "Sở hữu hệ thống định vị vệ tinh mang tới tầm quan trọng lớn về chiến lược" - tờ Thời báo Hoàn cầu viết - "Trung Quốc có một thị trường rộng lớn, nơi hệ thống Bắc Đẩu có thể phục vụ lợi ích của cả quân đội lẫn dân sự. Khi lợi ích tăng dần lên, hệ thống Bắc Đẩu sẽ dần được phát triển thành một hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu, có thể cạnh tranh được với GPS". Trong một bài viết khác, tờ báo nói rằng việc phát triển định vị vệ tinh được xem là một trong những "ngành công nghiệp chiến lược đang vươn lên" của Trung Quốc. Sun Jiadong, kỹ sư trưởng của hệ thống, cho tờ 21st Century Business Herald biết rằng sự trưởng thành của Bắc Đầu sẽ dần xói mòn thị phần của GPS hiện đã chiếm tới 95% thị phần ở Trung Quốc. Tuy nhiên Morris Jones, một nhà phân tích không gian độc lập ở Sydney, Australia, nói rằng Bắc Đẩu khó có thể cạnh tranh với GPS ở ngoài Trung Quốc. "GPS được cung cấp miễn phí, dễ tiếp cận, được biết tới từ lâu và được cả thế giới tin cậy" - ông nói với AFP - "Nó là một thương hiệu đã được ghi nhận và đã thành công trong việc vượt qua các thách thức." Morris mô tả rằng bất kỳ lợi ích thương mại nào mà Trung Quốc thu được sẽ chỉ là rất nhỏ so với GPS và lý do chính để Trung Quốc phát triển Bắc Đẩu chỉ là để bảo vệ an ninh quốc gia, nhằm đối phó với trường hợp dịch vụ GPS do Mỹ kiểm soát đóng cửa với nước này.
Trung Quốc lập hệ thống định vị cạnh tranh GPS ảnh 1
Hình ảnh Vạn Lý Trường Thành chụp từ hệ thống của NASA. GPS hiện đã chiếm tới 95% thị phần ở Trung Quốc. (Nguồn: AFP)
"Khả năng bị từ chối dịch vụ GPS đã khiến nhiều nước khác muốn phát triển hệ thống định vị riêng không chịu sự kiểm soát của Mỹ" - ông nói - "Trong thời gian xảy ra chiến tranh, rõ ràng anh sẽ không muốn bị từ chối dịch vụ". Bài xã luận đăng trên Thời báo Hoàn cầu đã vừa ca ngợi Bắc Đẩu "không phải là sản phẩm hạng hai hoặc bản sao của GPS", đã vừa thừa nhận nó còn hạn chế, ít nhất là trong thời kỳ đầu. "Một số vấn đề có thể được phát hiện trong quá trình hoạt động, bởi hệ thống Bắc Đẩu vẫn còn mới. Người dùng ở Trung Quốc nên... có thái độ châm chước với các hạn chế này của hệ thống" - tờ báo viết./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục