Trung Quốc thay thế Ấn Độ làm nhà cung cấp dầu mỏ cho Nepal

Nepal đã ký thỏa thuận đầu tiên về dầu mỏ với Trung Quốc nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhiên liệu sau khi những người biểu tình phong tỏa nguồn nhập khẩu duy nhất từ Ấn Độ.
Trung Quốc thay thế Ấn Độ làm nhà cung cấp dầu mỏ cho Nepal ảnh 1Bản thông báo hết xăng tại một cây xăng ở Nepal. (Nguồn: jagran.com)

Ngày 28/10, Nepal đã ký thỏa thuận đầu tiên về dầu mỏ với Trung Quốc nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhiên liệu sau khi những người biểu tình phong tỏa nguồn nhập khẩu duy nhất từ Ấn Độ.

Người phát ngôn của Tập đoàn dầu mỏ Nepal Deepak Baral nêu rõ: "Chúng tôi đã ký Bản ghi nhớ với Tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc (PetroChina) về cung cấp các sản phẩm dầu mỏ, đáp ứng nhu cầu của Nepal."

Theo người phát ngôn, đây là lần đầu tiên Trung Quốc cung cấp dầu mỏ thương mại cho Nepal, do đó có nhiều vấn đề cần nghiên cứu như giá cả và việc vận chuyển.

Nepal vốn phụ thuộc vào trao đổi thương mại qua biên giới với Ấn Độ do địa hình đồng bằng dễ dàng hơn cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, tránh được các tuyến đường miền Bắc có địa hình đồi núi.

Tuy nhiên, ngày 25/9 vừa qua, hàng trăm người biểu tình đã chặn một cửa khẩu quan trọng giữa Ấn Độ và Nepal, cắt đứt tuyến đường nhiên liệu trọng yếu đến Nepal. Những người biểu tình thuộc cộng đồng Madhesi phản đối kế hoạch phân chia Nepal thành bảy tỉnh bang theo một điều khoản Hiến pháp được thông qua ngày 20/9 trước đó.

Cửa khẩu bị phong tỏa nằm ở thị trấn Birgunj, cách thủ đô Kathmandu 90km về phía Nam, là một trung tâm phục vụ cho việc nhập dầu mỏ và lương thực vào Nepal, với hàng trăm xe tải thường qua lại vào ban đêm. Chính phủ Nepal sau đó đã phải áp đặt lệnh giới hạn xe lưu thông trên toàn quốc do lo ngại thiếu nhiên liệu.

Hiện Kathmandu đang tìm kiếm khả năng vận chuyển nhiên liệu qua vùng đất miền Bắc giáp với Trung Quốc, vừa mới được mở cửa lại trong tháng này sau khi bị hư hại trong trận động đất vào tháng Tư vừa qua.

Trước đó, Bắc Kinh đã nhất trí hỗ trợ 1,3 triệu lít dầu cho Nepal. Hai nước chưa bao giờ mua bán khí đốt hay dầu mỏ của nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục