Trung Quốc tuyên bố ADIZ không nhằm mục đích đối đầu

Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định ADIZ được thiết lập trở thành vùng hợp tác chứ không phải đối đầu hay để gây nguy hiểm.

Theo hãng tin Kyodo, kết thúc cuộc hội đàm ngày 3/12 tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu quan ngại về việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

Trả lời phỏng vấn của báo chí sau cuộc gặp, ông Biden nhấn mạnh Mỹ "quan ngại sâu sắc" về "ý đồ đơn phương thay đổi hiện trạng khu vực" của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và rằng việc Trung Quốc thiết lập ADIZ đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, làm tăng nguy cơ xảy ra biến cố cũng như các tính toán sai lầm.

Ông cũng cho biết sẽ nêu quan ngại này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở thủ đô Bắc Kinh vào cuối tuần. Ông đồng thời kêu gọi Nhật Bản và Trung Quốc đưa ra "các biện pháp kiểm soát khủng hoảng" và thiết lập các "các kênh trao đổi thông tin hiệu quả" nhằm làm giảm nguy cơ căng thẳng leo thang.

Về phần mình, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết ông và Phó Tổng thống Biden tái khẳng định rằng quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.

Hai bên nhất trí sẽ không bỏ qua "ý đồ thay đổi hiện trạng khu vực" của Trung Quốc cũng như "bất cứ hành động nào đe dọa an toàn hàng không dân dụng." Ngoài ra, hai bên cũng sẽ không thay đổi các biện pháp và chính sách hợp tác song phương, kể cả các hoạt động quân sự của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản và binh sỹ Mỹ đồn trú tại Nhật Bản.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định mục đích thiết lập ADIZ của nước này nhằm cải thiện khả năng nhận dạng máy bay và tránh mọi hiểu nhầm.

Trả lời họp báo khi được yêu cầu giải thích thêm về ADIZ mới thiết lập, ông Hồng Lỗi cho biết, do mật độ bay dày đặc trên không phận biển Hoa Đông nên Trung Quốc phải lập ra ADIZ để nắm rõ hơn tình hình, qua đó tăng cường khả năng bảo vệ an ninh quốc gia và duy trì trật tự bay.

Cũng theo ông Hồng Lỗi, tính đến nay đã có hơn 30 hãng hàng không của 10 quốc gia đệ trình kế hoạch bay cho Trung Quốc khi bay qua ADIZ trên biển Hoa Đông.

Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng khẳng định ADIZ được thiết lập trở thành vùng hợp tác chứ không phải đối đầu hay để gây nguy hiểm cho bất cứ quốc gia nào khác.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Cảnh Nhạn Sinh tuyên bố Trung Quốc muốn đối thoại với các bên liên quan nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngày 23/11, Trung Quốc đột ngột tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông kèm theo một loạt quy định đối với tất cả các máy bay bay qua khu vực này.

Hành động này của Bắc Kinh đã gây phản ứng mạnh trong dư luận khu vực và quốc tế, đặc biệt từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc do AIDZ của Trung Quốc chồng lấn một phần lớn diện tích lên các vùng ADIZ đã được xác lập trước đó của Nhật Bản và Hàn Quốc, thậm chí bao trùm cả quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku.

Trong phản ứng mới nhất, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng đã bày tỏ quan ngại về tình trạng căng thẳng leo thang ở Đông Á, đồng thời cảnh báo khu vực có thể sẽ phải đối mặt với "các hậu quả nghiêm trọng và khó lường" nếu một trong các bên có hành động khiêu khích.

Trong buổi trả lời phỏng vấn hãng tin Kyodo, Thủ tướng Hun Sen khẳng định Campuchia có quan hệ tốt đẹp với cả Nhật Bản và Trung Quốc. Campuchia kêu gọi hai bên kiềm chế tối đa, tránh mọi hành động khiêu khích và giải quyết bất đồng thông qua đàm phán song phương hoặc đa phương.

Thủ tướng Hun Sen cho rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể đóng vai trò khuyến khích đối thoại giữa Nhật Bản và Trung Quốc./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục