Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến trình cải cách lĩnh vực tài chính

Theo Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhu Quangyao, Trung Quốc sẽ không vội cho phép đồng nhân dân tệ được thả nổi hoàn toàn.
Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến trình cải cách lĩnh vực tài chính ảnh 1Nhân viên ngân hàng kiểm tiền 100 nhân dân tệ mới tại một ngân hàng ở thủ đô Bắc Kinh ngày 12/11. (Nguồn: THX/TTXVN)

Một ngày sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) quyết định đưa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vào rổ các đồng tiền dự trữ, được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), của thiết chế tài chính này, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhu Quangyao ngày 2/12 khẳng định nước này sẽ không dừng bước trong tiến trình cải cách lĩnh vực tài chính.

Tuy nhiên, ông Zhu cho biết, Trung Quốc sẽ không vội cho phép đồng nhân dân tệ được thả nổi hoàn toàn, khi nước này đang chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào đầu tư sang một mô hình gắn nhiều hơn với đổi mới.

Ông Zhu nói Trung Quốc vẫn duy trì hệ thống thả nổi có kiểm soát và hy vọng rằng một hệ thống như vậy sẽ đóng góp vào việc hoàn tất một cách thành công quá trình chuyển đổi đó. Ông cũng chờ đợi đến một lúc nào đó đồng nhân dân tệ sẽ phản ánh được đầy đủ giá trị thị trường.

IMF ngày 1/12 nhấn mạnh Trung Quốc cần phải tiếp tục và làm sâu sắc thêm các cải cách, đồng thời giải quyết các vấn đề về hoạt động có thể gây cản trở các nước thành viên trong việc trao đổi nhân dân tệ và các đồng tiền khác.

IMF đã chỉ ra sự chênh lệch giữa tỷ giá trong và ngoài nước và cảnh báo sự chênh lệch trong tương lai có thể đặt ra các thách thức cho các thành viên IMF được phân bổ nhân dân tệ khi quyết định trên có hiệu lực. IMF cũng nêu lên thực tế là đồng nhân dân tệ đang được sử dụng nhiều hơn.

Theo một khảo sát, các nước thành viên IMF có số tài sản bằng đồng nhân dân tệ trị giá 70 tỷ USD trong năm 2014, hay 1,1% giá trị tài sản nước ngoài chính thức. Số liệu thống kê cho thấy khối lượng nhân dân tệ được giao dịch trung bình mỗi ngày tại sáu trung tâm lớn của khu vực là gần 250 tỷ USD, sau bốn đồng tiền khác trong SDR là đồng USD, euro, bảng Anh và yen Nhật cũng như đồng đôla Australia, đôla Canada và franc Thụy Sỹ.

Số liệu tính đến tháng Tư chỉ ra rằng khối lượng giao dịch đồng nhân dân tệ tại London trong hai năm tăng 80%, còn tại Canada, nơi đặt một trong hai trung tâm thanh toán bù trừ duy nhất của châu Mỹ, tăng hơn 400%. Lượng giao dịch tại New York quá mỏng, nhưng việc thiết lập một trung tâm giao dịch nhân dân tệ cũng đang được thúc đẩy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục