Trung Quốc xây nhà máy luyện nhôm tại Indonesia

Nhà sản xuất nhôm lớn thứ hai Trung Quốc chuẩn bị triển khai dự án xây dựng một nhà máy luyện nhôm tại Indonesia.

Nhà sản xuất nhôm lớn thứ hai Trung Quốc Nanshan Aluminium Co. Ltd có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông trong tháng Tư tới sẽ bắt đầu triển khai dự án xây dựng một nhà máy luyện nhôm với tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD tại Indonesia, dự kiến sẽ hoàn thành trong hai năm.

Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Hidayat cho biết Nanshan Aluminium Co. Ltd cũng sẽ xây dựng một nhà máy điện công suất 300 MW, một hải cảng ở đảo Bintan, tỉnh Riau, Indonesia để phục vụ cho cơ sở luyện kim này.

Đây là dự án liên doanh giữa Nanshan Aluminium Co. Ltd và công ty PT Mitra Karsa Utama, được tiến hành theo thỏa thuận đã ký giữa hai bên hồi cuối năm 2013, trong đó phía đối tác Trung Quốc nắm tới 95% cổ phần, và cơ sở luyện kim này sẽ có công suất 2,1 triệu tấn alumina và 570.000 tấn nhôm thỏi mỗi năm, phục vụ cho nhu cầu trong nước của Indonesia và xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Indonesia, một trong những nhà xuất khẩu khoáng sản hàng đầu thế giới, bắt đầu áp dụng lệnh cấm xuất khẩu khoáng sản thô từ 1/1/2014, trong đó bao gồm cả Niken và than đá nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đầu tư, đổi mới công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm khai mỏ.

Chủ trương này khiến nhiều công ty nước ngoài có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy xử lý, chế biến khoáng sản tại Indonesia để tận dụng nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú tại đây.

Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia (BPS) cho biết Indonesia hiện là nhà cung cấp bauxite lớn nhất của Trung Quốc. Ngoài Nanshan Aluminium Co. Ltd, một tập đoàn khác của Trung Quốc là China Hongqiao Group cũng đã liên doanh với công ty PT Cita Mineral Investindo Tbk của Indonesia đang xây dựng một nhà máy luyện nhôm ở Ketapang, tỉnh Tây Kalimantan. Nhà máy này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2015 với công suất 2 triệu tấn/năm.

Indonesia hiện chỉ có một cơ sở luyện nhôm ở Bắc Sumatra của công ty PT Indonesia Asahan Aluminum (Inalum) mới được chính phủ nước này tiếp quản từ đối tác Nhật Bản là tập đoàn Nippon Asahan Aluminium (NAA) sau hơn 30 năm hợp tác liên doanh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục