Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản "giữ lời" về những vấn đề lịch sử

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng Nhật Bản nên thực hiện đúng những tuyên bố của nước này trong một số vấn đề liên quan đến lịch sử và Đài Loan.
Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản "giữ lời" về những vấn đề lịch sử ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo Tân hoa xã, ngày 8/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng Nhật Bản nên thực hiện đúng những tuyên bố của nước này trong một số vấn đề liên quan đến lịch sử và Đài Loan, cũng như cần có những chiến lược và hành động cụ thể để gỡ bỏ những vướng mắc trong quan hệ song phương.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại Hamburg (Đức), ông Tập Cận Bình cũng hối thúc Nhật Bản rút ra các bài học từ lịch sử để có mối quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc trong tương lai.

[Nhật-Trung sẽ sớm triển khai cơ chế liên lạc trên không và biển]

Theo ông Tập Cận Bình, mặc dù hai bên có một số hoạt động trao đổi tích cực nhưng quan hệ Trung-Nhật vẫn đang gặp vướng mắc do nhiều yếu tố phức tạp.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định sẽ không có sự thỏa hiệp trong một số vấn đề liên quan đến lịch sử và Đài Loan. 

Trong khi đó, theo hãng Kyodo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "cải thiện tình hình ở biển Hoa Đông," một tuyên bố dường như ám chỉ các khẳng định chủ quyền quả quyết của Bắc Kinh đối với quần đảo Senkaku mà Tokyo kiểm soát (Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư).

Ông Abe nói: "Điều quan trọng là đảm bảo trật tự hàng hải tự do và mở rộng dựa trên luật pháp, dù có liên quan đến bất cứ khu vực nào."

Phát biểu sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), một quan chức cấp cao Nhật Bản dẫn lời ông Tập, khẳng định Chủ tịch Trung Quốc sẽ "duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Hoa Đông", nhưng không cho biết cụ thể.

Ngoài ra, quan chức nói trên nói thêm hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí hợp tác nhằm đảm bảo sớm thực thi cơ chế liên lạc hàng hải và hàng không song phương được xây dựng nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ bất ngờ trên vùng biển này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục