Trường tiểu học Junko - dấu ấn tình yêu Việt Nam của cô gái Nhật

Trường tiểu học Junko ở tỉnh Quảng Nam mang tên một nữ sinh Nhật Bản, cô qua đời khi mới 20 tuổi nhưng tâm nguyện về việc xây trường cho học sinh Việt Nam khó khăn đã được gia đình cô thực hiện.
Trường tiểu học Junko - dấu ấn tình yêu Việt Nam của cô gái Nhật ảnh 1Trường Tiểu học Junko. (Nguồn: qh-hdqna.gov.vn)

Ở xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có một ngôi trường không mang một cái tên thuần Việt mà mang tên một nữ sinh Nhật Bản, đó là Trường tiểu học Junko.

Junko Takahashi, sinh năm 1973 tại Thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Cô từng là sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế của Trường Đại học Meiji Gakuin. Năm 1993, Junko đến Việt Nam trong một chương trình đi thực tế và dành trọn tình yêu cho đất nước và con người nơi đây.

Chuyến đi đã để lại rất nhiều cảm xúc với Junko, đặc biệt là khi cô đến những vùng quê nghèo, chứng kiến cảnh các em học sinh Việt Nam phải học tập trong điều kiện cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn. Từ đó, Junko có ước nguyện sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ đi làm và giành tiền lương của mình để giúp đỡ các học sinh Việt Nam.

Thật đáng buồn là những mơ ước và dự định tốt đẹp ấy của Junko chưa kịp thực hiện thì cô gặp một tai nạn giao thông ở Nhật Bản và qua đời khi mới 20 tuổi.

Những dự định về việc giúp đỡ cho các học sinh ở Việt Nam được Junko ghi chép trong cuốn nhật ký của mình. Biết được ý nguyện của Junko, gia đình của cô gái có tấm lòng vàng này đã quyết tâm thay cô thực hiện ước mơ đó.

Thông qua sự kết nối của những vị giáo sư hướng dẫn Junko tại Trường Đại học Meiji Gakuin, gia đình cô đã quyết định chọn Điện Phước - vùng "rốn lũ" ở Điện Bàn, Quảng Nam, để xây dựng trường học cho các em học sinh khó khăn.

Xã Điện Phước là một vùng quê chiêm trũng, vào mùa mưa, nơi đây thường bị nước lũ dâng cao làm ngập trắng cả một vùng. Vì vậy vào những năm đầu của thập niên 90, việc xây dựng một ngôi trường khang trang kiên cố cho con em tới trường là niềm mơ ước lớn lao của người dân địa phương.

Chính quyền và người dân xã Điện Phước đã tự nguyện bàn giao hơn 3.000m2 diện tích đất ruộng trồng lúa để có mặt bằng xây dựng trường. Sau gần 9 tháng xây dựng, đầu tháng 9/1995, Trường Tiểu học Junko đã được khánh thành vào đúng dịp khai giảng năm học mới.

Ngôi trường ban đầu có 8 phòng học, sau nhiều lần được đầu tư mở rộng, đến nay, Trường tiểu học Junko có 26 phòng học trên diện tích 8.000m2.

Trường Junko là một trong 5 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1 đầu tiên của tỉnh Quảng Nam. Trường hiện có gần 550 học sinh theo học và nhiều năm liền dẫn đầu phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của thị xã Điện Bàn.

Chúng tôi đến thăm Trường tiểu học Junko khi các thầy cô giáo ở đây đang tất bật chuẩn bị năm học mới 2015-2016. Vừa tròn 20 năm thành lập trường, cái tên Junko đã trở nên gần gũi, thân thuộc với mọi người dân Điện Phước. Ngôi trường mang tên Junko là nơi chắp cánh ước mơ học tập cho nhiều thế hệ học sinh ở vùng đất “rốn lũ” này.

Chia sẻ với chúng tôi về ngôi trường đặc biệt này, thầy giáo Trần Công Trường, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết Trường Junko được xây dựng từ năm 1995, lúc đầu là một phân hiệu của Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám. Đến năm 2003, Trường Junko trở thành địa điểm học chính của các học sinh tiểu học của xã Điện Phước. Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám cũng được đổi tên thành Trường tiểu học Junko.

Tại đất nước Nhật Bản, các thầy cô giáo và sinh viên của nhiều trường đại học vì cảm mến lý tưởng sống của Junko đã thành lập Hiệp hội Junko nhằm tiếp nối sứ mệnh dang dở của cô nữ sinh có tấm lòng vàng.

Hàng năm, cứ vào đầu tháng Chín - dịp khai giảng năm học mới của học sinh Việt Nam, các hội viên của Hiệp hội Junko lại sang Việt Nam và tới thăm ngôi trường mang tên Junko.

Trong những chuyến đi đó, các hội viên của Hiệp hội Junko đều ở lại nhà người dân, tặng học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường Junko và tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa với các em học sinh.

Trong phòng truyền thống của Trường tiểu học Junko hiện đang treo trang trọng bức hình của nữ sinh Junko Takahashi. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức lễ tưởng nhớ ngày mất của cô theo phong tục của người dân địa phương.

20 năm qua, Trường Tiểu học Junko - dấu ấn tình yêu Việt Nam của cô nữ sinh Nhật Bản đã trở thành cầu nối, góp phần thắt chặt tình cảm giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Nhật Bản./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục