Truyền hình trả tiền: Bão “đại hạ giá” cước đang tới?

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền với lời hứa hẹn cước phí thấp, rất có thể trong thời gian tới, dịch vụ này sẽ được phổ cập đến vùng nông thôn, miền núi.

Đây có thể xem là một tín hiệu đầy hứa hẹn, khi mà ở thời điểm hiện tại truyền hình cáp, truyền hình số vẫn còn là một cái gì đó xa xỉ với người nông dân nghèo.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền với lời hứa hẹn cước phí thấp, rất có thể trong thời gian tới, dịch vụ này sẽ được phổ cập đến vùng nông thôn, miền núi.

Đây có thể xem là một tín hiệu đầy hứa hẹn, khi mà ở thời điểm hiện tại truyền hình cáp, truyền hình số vẫn còn là một cái gì đó xa xỉ với người nông dân nghèo.

Hết màu mỡ

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Cao Văn Liết, Tổng giám đốc VSTV (sở hữu thương hiệu K+) cho hay, thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam  thực chất mới hình thành từ một vài năm trở lại đây và chưa chuyên nghiệp. Đến tháng 3/2011, khi Chính phủ ban hành Nghị định về Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền, dấu ấn về thị trường này mới thực sự bắt đầu.

Ông Liết nhận định trong tương lai không xa, thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ. Sự cạnh tranh sẽ là hết sức quyết liệt và nhờ đó khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn phù hợp với mình hơn.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Đình Cường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Dịch vụ Truyền thanh-Truyền hình Hà Nội cho hay, hiện truyền hình trả tiền không còn là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp.

Theo ông Cường, ở các khu vực dân cư tập trung như nội thành, thị xã, thị trấn thì truyền hình cáp đã có mặt hết. Ở phía Nam, ở hơn 10 tỉnh số lượng thuê bao truyền hình cáp đã đạt tới 60-70% hộ dân. Còn phía Bắc, truyền hình cáp cũng đã hiện diện ở các thị xã lớn và các nhà cung cấp dịch vụ phía Nam cũng đang “tiến quân” ra Bắc.

Trước sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay, ông Thái Minh Tần, nguyên Chủ tịch VTC cho rằng các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình để thu hút khách hàng cho riêng mình.

Còn Tổng giám đốc K+ Cao Văn Liết thì cho biết sẽ “tiến từng bước vững chắc” bằng cách cam kết cung cấp cho khách hàng một dịch vụ tốt, mang tính ổn định lâu dài.

“Sự xuất hiện của các doanh nghiệp khác tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền càng nhắc nhở chúng tôi phải luôn phấn đấu hoàn thiện hơn nữa các sản phẩm dịch vụ của mình. Kế hoạch trong năm 2012 của chúng tôi là tăng cường các kênh chuyên biệt với chất lượng cao tạo ra sự khác biệt cho K+,” ông Liết chia sẻ.

Sẽ có cuộc đại hạ giá cước?

Ông Lê Đình Cường cho rằng, trong bối cảnh các doanh nghiệp tiếp tục công bố gia nhập thị trường truyền hình trả tiền, muốn làm ăn được, doanh nghiệp nên “nhắm đích” là địa bàn nông thôn.

Thực tế, một số công nghệ truyền hình mới như MyTV của VNPT hiện cũng phát triển tốt ở các địa bàn... tỉnh lẻ.

Thế nhưng, khi nhắm vào thị trường nông thôn, bên cạnh việc đường truyền, nội dung tốt, thì giá thành lại đang là một rào cản rất lớn.

Hiện, các doanh nghiệp truyền hình cáp chưa cung cấp được đến nơi, còn truyền hình vệ tinh, kỹ thuật số (người dân phải có một bộ đầu thu mới bắt được sóng) thì gặp nhiều trở ngại. Ví dụ, một hộ gia đình có 3 tivi thì phải mua 3 đầu thu (trung bình từ 1,5 triệu đồng/đầu thu). Thêm vào đó, giá cước còn cao khiến người dân nghèo khó mà tiếp cận được với dịch vụ này.

Mới đây, khi phát sóng, AVG cũng đã công bố mức cước cạnh tranh với giá dự kiến giao động từ 60.000-150.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, trong 2 triệu thuê bao đầu tiên hoặc 2 năm kể từ ngày cung cấp dịch vụ, AVG sẽ áp dụng mức giá ổn định cho ba gói kênh lần lượt là 33.000-66.000-88.000 đồng/tháng. Ngoài ra, đơn vị này sẽ cấp thiết bị đi kèm cho khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ở các gói cước cao.

Rõ ràng, mức cước này được xem là hợp lý, và người dân nghèo sẽ dễ chấp nhận bỏ 33.000 đồng để thụ hưởng dịch vụ.

Một nguồn tin từ Viettel, doanh nghiệp mới tuyên bố sẽ cung cấp truyền hình cáp vào cuối năm nay thì cho hay, họ sẽ lựa chọn công nghệ có thể đem truyền hình cáp đến mọi nhà với chất lượng đường truyền cao.

Không thông báo cụ thể về cước phí, song Trung tướng Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc Viettel cho hay đơn vị này sẽ làm sao để “người nghèo nhất cũng có thể xem được truyền hình cáp. Sẽ có nhiều mức giá khác nhau cho từng đối tượng.”

Còn nguồn tin của Vietnam+ thì cho biết, phía Viettel sẽ sẵn sàng “hạ giá cước” để hút số lượng thuê bao về phía mình. Chiến lược này cũng sẽ giống như với hơn mười năm trước đây, khi sân chơi viễn thông còn của riêng “anh em” nhà VNPT (MobiFone và VinaPhone). Khi Viettel tham gia thị trường, giá cước ngất ngưởng viễn thông ngày ấy đã được “bình dân hóa” và đến nay thì người dân vùng khó cũng được thụ hưởng.

Rõ ràng, đây là tín hiệu vui cho người dân ở vùng nông thôn, nhất là khi truyền hình cáp vẫn còn “ở đâu đó trên thành phố.” Và, họ sẽ đợi chờ một “cuộc cách mạng về giá” để có thể nhà nhà đều xem truyền hình trả tiền giá rẻ.

Mong rằng, cuộc cách mạng về giá ấy sẽ diễn ra nhanh./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục