Truyện Kiều - Hành trình vượt quốc gia bước ra thi đàn thế giới

Cùng với các hoạt động giao lưu và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, kiệt tác Truyện Kiều đã vượt các đường biên giới quốc gia để bước ra thi đàn thế giới.
Truyện Kiều - Hành trình vượt quốc gia bước ra thi đàn thế giới ảnh 1Các đại biểu tham quan trưng bày tư liệu di vật của gia tộc Nguyễn Du tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Cùng với các hoạt động giao lưu và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, kiệt tác "Truyện Kiều" đã vượt các đường biên giới quốc gia để bước ra thi đàn thế giới.

Thông qua các bản dịch và công trình nghiên cứu chuyên sâu, phần di cảo mang "hồn cốt" dân tộc này của Đại thi hào Nguyễn Du đã lan tỏa và làm say lòng bè bạn trên khắp các châu lục.

Trên thực tế, ngay từ cuối thế kỷ XIX, vào năm 1884-1885, "Truyện Kiều" đã được Abel des Michel dịch ra tiếng Pháp.

Trên phương diện văn bản, cho đến nay tác phẩm này đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng phổ cập nhất và đã đến được với đông đảo công chúng bạn đọc ở tất cả các nền văn hóa lớn trên toàn thế giới.

Biết bao thế hệ các nhà Việt học, các học giả và thi nhân đã dụng công tìm hiểu, thâm nhập "Truyện Kiều" và tìm cách vượt qua rào cản ngôn ngữ tiếng Việt vốn được xem là "thiên biến vạn nan" để chuyển tải thi phẩm mang "tinh thần Á Đông và giá trị nhân văn của khu vực" sang một ngôn ngữ mới.

Theo thống kê sơ bộ, đã có gần 40 bản dịch Truyện Kiều ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau như Pháp, Anh, Nhật, Trung, Nga, Hàn Quốc, Hung​ary, Ba Lan, Tiệp Khắc, Phần Lan, Ar​ab, Đức, Bulgaria, Romania, Tây Ban Nha, M​ongolina, Lào, Thái Lan...

Nhiều công trình nghiên cứu về nội dung tư tưởng và thi pháp nghệ thuật "Truyện Kiều" cũng đã được công bố.

Tại Mỹ, Pháp và Nga - những quốc gia từng có mối liên hệ đặc biệt với Việt Nam trong lịch sử, "Truyện Kiều" được dịch và nghiên cứu khá nhiều. Đặc biệt, riêng với tiếng Pháp, Truyện Kiều có tới 13 bản dịch.

Sự xem trọng của người Pháp với "Truyện Kiều" được minh chứng bằng việc tác phẩm này và tác giả Nguyễn Du được đưa vào bộ từ điển nổi tiếng "Các tác phẩm của tất cả các thời đại và các xứ sở" của Hiệp hội biên soạn Từ điển và Bách khoa toàn thư, xuất bản ở Paris năm 1953 (Dictionnaire des oeuvres de tous les temps et de tous les pays - Société d'édition de dictionnaires et encyclopédies, Paris 1953).

Đáng chú ý, bên cạnh các bản dịch "Truyện Kiều" của học giả Việt Nam hoặc Việt kiều, một số bản dịch "Truyện Kiều" còn được các nhà thơ Pháp dịch sang tiếng Pháp.

Ngay đầu thế kỷ 20, khi tiến hành chuyển ngữ, nhà thơ Rene Crayssac đã xúc động làm một bài thơ có tên "Kim và Kiều."

Nhà nghiên cứu người Pháp này cũng đánh giá rằng "'Truyện Kiều' của Nguyễn Du là một kiệt tác có thể so sánh với những kiệt tác của bất cứ quốc gia và thời đại nào."

Tại Mỹ, việc dịch và nghiên cứu "Truyện Kiều" đã diễn ra từ trước những lần "lẩy" Kiều của cựu Tổng thống Bill Clinton (11/2000) và Phó Tổng thống Joe Biden (7/2015).

Năm 1973, giáo sư Việt kiều Huỳnh Sang Thông, giảng viên Đại học Yale, đã dịch "Truyện Kiều" sang tiếng Anh.

Ngoài ra còn có 3 bản dịch khác của Lê Xuân Thủy, Lê Cao Phan và Michael Counsell. Riêng tại Đại học California, giáo sư Mariam cũng đã có nhiều bài nghiên cứu sâu và chuyên biệt về "Truyện Kiều."

Tại Nga, "Truyện Kiều" được giới thiệu và nghiên cứu khá công phu bởi hàng loạt cái tên như N.Niculin, Tcachiov, Steinberg...

Ở Đức, trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam, vợ chồng Irene và Franz Faber đã dành hơn 7 năm để dịch "Truyện Kiều" từ tiếng Pháp và hoàn thành vào 1963.

Tại Nhật, trong chiến tranh thế giới thứ 2, "Truyện Kiều" đã được dịch giả Komatsu Kiyoshi dịch từ tiếng Pháp, đồng thời so sánh tác phẩm này với Genji Monogatari - một kiệt tác của văn học Nhật Bản, với nhận xét: "​Đây là một tác phẩm thơ trữ tình trường thiên chứa đựng rất nhiều tinh thần và văn hóa của người An Nam."

Tại Hàn Quốc, "Truyện Kiều" được độc giả tại đây xem trọng tới mức họ gọi tác phẩm "Xuân Hương truyện" (cũng nói về một phụ nữ tài sắc, dù rơi xuống địa vị xã hội thấp kém nhưng vẫn giữ vẹn nhân cách) của mình bằng cụm từ "Truyện Kiều của Hàn Quốc."

Tại Trung Quốc, nhiều nhà nghiên cứu đã gọi "Truyện Kiều" bằng cụm từ "Việt Nam đệ nhất văn nghệ kỳ thư" và gọi Nguyễn Du là "nhà thơ kiệt xuất Việt Nam."

"Truyện Kiều" cũng đặc biệt gắn bó máu thịt với đời sống tâm hồn của những người con đất Việt tha hương.

Theo tiến sỹ Bountheng Souksavatd thuộc Viện Khoa học Xã hội Quốc gia Lào, "Đoạn trường tân thanh" vẫn luôn tồn tại và thắp sáng trong mỗi con người Việt ở Lào, cho dù là người già hay người trẻ.

Và điều quan trọng hơn đối với người Việt ở Lào là hiếm có tác giả và tác phẩm nào ngấm vào máu thịt của họ và có sức sống lâu bền đến vậy…

Nguyễn Du là thi hào Việt Nam đầu tiên đi vào lịch sử văn hóa nhân loại. Cho tới nay, "Truyện Kiều" cũng là tác phẩm tiếng Việt được đọc và chia sẻ nhiều nhất trên thế giới.

Chưa bao giờ số người yêu mến và tự nguyện nghiên cứu Nguyễn Du và "Truyện Kiều" lại nhiều như hiện nay. Điều này chứng tỏ Nguyễn Du và ​đã có một đời sống mới ở bên ngoài đất nước.

Năm 1965, Nguyễn Du đã chính thức đi ra với thế giới với việc Hội đồng hòa bình thế giới đề xuất kỷ niệm 200 năm ngày sinh cùng với 8 danh nhân văn hóa thế giới khác, trong đó có Dante (Italy) và Lomonosov (Nga).

Diễn ra trong năm nay theo nghị quyết của Đại hội đồng UNESCO, các hoạt động trên quy mô quốc gia và quốc tế kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Nguyễn Du là dịp để khẳng định tên tuổi của Người và đưa các giá trị bất hủ của "Truyện Kiều," của văn hóa dân tộc Việt Nam tỏa sáng và vươn xa hơn nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục