Truyền nhân Lý Tiểu Long

Những truyền nhân của huyền thoại Lý Tiểu Long

Nhiều người đã theo học môn võ Vịnh Xuân quyền vì hâm mộ tài năng và muốn trở thành truyền nhân của huyền thoại Lý Tiểu Long.
Sam Lau nhặt thanh kiếm lên đi vài bài dũng mãnh trước mặt các học trò đang háo hức được trở thành những truyền nhân tiếp theo của Lý Tiểu Long. Các chú nhóc này đang thăm phim trường của Lau ở Hong Kong, có cả những người đến từ nơi xa xôi như Italy, để học Vịnh Xuân quyền, môn phái nổi danh trên toàn thế giới bởi người đệ tử sáng giá Lý Tiểu Long. “Tôi bắt đầu học Vịnh Xuân quyền sau khi xem phim "Diệp Vấn" (một bộ phim về Trần Chân, sư phụ của Lý Tiểu Long, một học trò xuất sắc khác của Vịnh Xuân quyền). Ông ấy thật là một người vĩ đại”, Sam Ng, 12 tuổi, nói. “Diệp Vấn là một đại hiệp trứ danh”. Ng giờ đã có thể đi một bài quyền khá bắt mắt với những thế tấn vững chãi. Tuy nhiên, bộ phim ăn khách năm 2008 có sự góp mặt của Donnie Yen (Chung Tử Đơn), và cả những phần tiếp theo, chỉ gợi cảm hứng ban đầu cho những người học võ. Chính lợi ích cho sức khỏe và tăng cường khả năng tự vệ là điều khiến các tử đệ của Vịnh Xuân quyền ngày càng đông, theo lời con trai của Diệp Vấn, Yip Ching, giờ đã 77 tuổi. “Diệp Vấn giúp cả thế giới biết đến Vịnh Xuân quyền, nhưng ngày nay nó còn phổ biến hơn nữa”, Ching sư phụ nói. Lau, 64 tuổi, là trợ lý của Yip Ching và đến giờ cũng đã thu nhận hơn 1.000 đệ tử. Ông nói Vịnh Xuân quyền hấp dẫn với số đông người học vì nó nhấn mạnh vào sự tập trung và ý chí hơn là bạo lực. Giống như những người thừa kế khác, ông thuộc nằm lòng gốc tích môn phái, bắt nguồn từ một phụ nữ trẻ ở miền nam Trung Quốc trong thời Thanh, Nghiêm Vịnh Xuân, đã phát triển môn võ này từ những gì học được của một ni cô để chống lại một lãnh chúa địa phương muốn ép hôn bà. Diệp Vấn là người mang nghệ thuật này tới Hong Kong, dù chính bởi Lý Tiểu Long và những ngày hoàng kim của điện ảnh Hong Kong, cả thế giới mới bắt đầu biết đến Vịnh Xuân quyền. “Một phụ nữ khi gặp nguy hiểm có thể chiến đấu rất dữ dội, tấn công bạn vào mắt, vào cằm, vào cổ, Vịnh Xuân là một môn cận chiến, đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật”, Lau phân tích. Tất nhiên, ở lò võ của Lau tại Tsim Sha Tsui, Hong Kong, những đòn độc như thế bị cấm. Thay vào đó, các đệ tử học môn triệt quyền đạo, phản ứng ngay khi đối phương ra đòn để chặn các cú quyền cước của địch thủ, phòng ngự chính bằng tấn công. Nhưng Vịnh Xuân quyền không chỉ giúp phòng vệ và tấn công. “Khi tung ra những cú đấm ở tốc độ cao, bạn sẽ cảm thấy như được giải tỏa… Những cú đấm không phải tung ra bằng lực, mà chủ yếu bằng sự giải tỏa cả cơ thể”, một đệ tử của Lau, Furio Piccinini, người Ý, nói về cảm giác thư giãn khi tập trung vào môn võ này. “Chỉ khi thấy thoải mái, bạn mới có thể ra đòn mạnh nhất. Tôi thấy điều đó thật khó tin, giống như một định luật vật lý. Di chuyển đơn giản nhất sẽ giúp bạn ra đòn mạnh nhất”.
Những truyền nhân của huyền thoại Lý Tiểu Long ảnh 1
Lớp học Vịnh Xuân quyền tại Hong Kong thu hút võ sinh nước ngoài (Nguồn: AFP)
Piccinini, 34 tuổi, và đồng nghiệp Silvio Gazzaniga thường mang theo các học trò từ tận Milan đến Hong Kong, như một cuộc hành hương về đất tổ của môn võ mà họ đang quảng bá ở châu Âu. Erica Rossetti, 23 tuổi, đã học Vịnh Xuân quyền được chín năm cùng với bạn trai. “Học võ giúp tôi không thấy e thẹn nữa, tôi tìm thấy một phần khác của chính mình”, cô giải thích. Lau cho biết rằng số học sinh tăng cũng nhờ Internet, cho phép các võ sư tìm ra ngay các địa chỉ Vịnh Xuân quyền “danh môn chính phái” thay vì các lò võ mạo danh như trước kia. “Vịnh Xuân là võ học hay nhất thế giới và chúng tôi phải nói với cả thế giới Vịnh Xuân đích thực là như thế nào”, ông nói. “Mọi người có thể lên trang web của tôi và họ sẽ nói, đúng, đây chính là Lý Tiểu Long”. Tuy nhiên, không có con số chính xác về số người học môn võ này trên toàn thế giới, và Lau cho rằng đây là vấn đề điển hình của Vịnh Xuân quyền. Với nền tảng là thứ võ học đường phố, Vịnh Xuân quyền không có hệ thống chấm điểm tiêu chuẩn cho các cuộc thi đấu cũng như tính chất thể thao quốc tế như judo hay taekwondo. Lau cho rằng nhiệm vụ của ông là phải “nhất thống Vịnh Xuân quyền” và bảo tồn những di sản của Diệp Vấn cho tương lai. “Tôi đã yêu cầu chính quyền Trung Quốc phát triển Vịnh Xuân quyền và thu hút người học trên toàn thế giới”, ông nói. “Nhưng họ chỉ quan tâm đến huy chương và các kỳ Olympic. Chúng tôi không thể đợi được. Chúng tôi sẽ tự làm, dù có chính quyền hay không”./.
Trần Trọng (AFP/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục