Từ chỗ phải vận động, hàng Việt Nam đã được người tiêu dùng lựa chọn

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng trong nước đối với hàng hoá thương hiệu Việt.
Từ chỗ phải vận động, hàng Việt Nam đã được người tiêu dùng lựa chọn ảnh 1Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm quan gian hàng tại Triển lãm 10 năm Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hiện nay, tỷ lệ hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại các các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức tối 21/5, tại Hà Nội.

[Bộ Công Thương: Nhiều sản phẩm đã thành niềm tự hào của người Việt]

Điểm nổi bật nhất, theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Cuộc vận động đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt cũng như khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế.

Ông Hải cho biết, từ chỗ phải vận động để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, đến nay, đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng.

Đáng chú ý, một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Đơn cử, tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giầy chiếm khoảng 40-50%...

Kết quả trên, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây.

Đơn cử, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây.

“Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Công Thương thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, cháy hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ,” ông Đỗ Thắng Hải nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương nói về 10 năm thực hiện Cuộc vận động:

Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, những thành tích của ngành công thương hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động trong 10 năm qua đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm tỷ lệ nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong nhiều năm gần đây là tín hiệu đáng mừng cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định sự đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng và cơ chế, chính sách của Nhà nước trong Cuộc vận động và ngày càng được hiện thực hóa sâu rộng ở các cấp, các ngành, các địa phương.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục cố gắng, sáng tạo tìm ra nhiều hình thức, cách làm phù hợp với thực tiễn trong việc triển khai, thực hiện Cuộc vận động, nhằm khơi dậy mạnh mẽ bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam cũng như nâng cao chất lượng, uy tín của hàng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước và ngày càng thâm nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế.

Từ chỗ phải vận động, hàng Việt Nam đã được người tiêu dùng lựa chọn ảnh 2(Ảnh: PV/Vietnam+)

“Bộ cần rà soát, bổ sung chương trình hành động tổ chức thực hiện Cuộc vận động, phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong việc hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình công tác, cũng như đẩy mạnh triển khai và giám sát thực hiện Đề án về phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014-2020,” Phó Thủ tướng lưu ý./.

Triển lãm thành tựu 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của ngành Công Thương, diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, từ ngày 21/5 đến 22/5, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, như: Vinfast, Bia Hà Nội, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập doàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Polyco, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex)…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục