Từ cô bé bán cơm thành giáo viên tiêu biểu của ngành giáo dục

Nhà nghèo, để nuôi ước mơ con chữ, khi mới học lớp 3, cô bé dân tộc Lô Lô Lò Thị Dinh (Mèo Vạc, Hà Giang) đã phải tranh thủ đem cơm nắm ra chợ phiên bán. Mỗi phiên, em lãi được 2.000 đồng.
Từ cô bé bán cơm thành giáo viên tiêu biểu của ngành giáo dục ảnh 1Cô giáo Lò Thị Dinh trả lời phỏng vấn báo chí bên lề đại hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Nhà nghèo, để nuôi ước mơ con chữ, khi mới học lớp 3, cô bé dân tộc Lô Lô Lò Thị Dinh (Mèo Vạc, Hà Giang) đã phải tranh thủ đem cơm nắm ra chợ phiên bán. Mỗi phiên, em lãi được 2.000 đồng.

Bán cơm suốt cho đến năm lên cấp ba, Dinh chuyển sang bán rượu.

Thi đỗ vào trường Cao đẳng sư phạm Hà Giang, để có tiền ăn học, mỗi sáng, từ 4 giờ 30 phút, khi các bạn còn đang say giấc ngủ, Dinh đã phải dậy để làm việc quét dọn ký túc xá. “Mỗi tháng em được trả công 200.000 đồng, cộng với việc đi gia sư, em cũng vượt qua những ngày tháng khó khăn ấy,” Dinh vừa nói, vừa như chực khóc.

Nỗ lực hết mình

Trong Lễ kỷ niệm 70 năm nền giáo dục Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ 6, cô giáo Lò Thị Dinh, giáo viên Trường Mầm non Hoa Lan, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, được chọn là một trong số các gương mặt tiêu biểu của ngành giáo dục lên báo cáo tham luận.

Cô giáo trẻ dân tộc Lô Lô với dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt xinh xắn và giọng nói truyền cảm đã ngay lập tức gây ấn tượng với các đại biểu tham dự.

Nhưng trò chuyện với Dinh bên lề đại hội, chúng tôi còn ấn tượng hơn nữa với nghị lực lớn lao từ cô gái nhỏ bé và tưởng chừng yếu ớt ấy.

Sinh ra và lớn lên ở Mèo Vạc, một trong những huyện nghèo nhất của cả nước, nhưng Lò Thị Dinh luôn tự hào “đây là mảnh đất được mệnh danh là đệ nhất hùng quan nơi cực Bắc Tổ quốc, với đỉnh Mã Phì Lèng và con sông Nho Quế trong quần thể Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.”

Nhà Dinh có 6 anh chị em nên kinh tế rất khó khăn. Dinh là con thứ ba. Hai chị lớn nghỉ học sớm, nhưng Dinh vẫn khao khát được đến trường. Để có tiền đi học, Dinh bắt đầu “sự nghiệp kinh doanh” khi mới học lớp 3.

“Mỗi phiên chỉ được 2.000 đồng, nhưng số tiền ít ỏi đó, dành dụm cũng phụ giúp được bố mẹ tiền mua giấy, bút,” Dinh chia sẻ.

Dinh bảo, khó khăn nhất là những ngày học trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang. Mỗi tháng, dù đã rất cố gắng, bố mẹ cũng chỉ có thể gửi cho Dinh 50.000 đồng.

"Nhận số tiền ít ỏi đó và nhìn sang chúng bạn, tôi thấy rất tủi thân, thấy thương mình, thương cả bố mẹ mình, và càng thấy mình phải mạnh mẽ hơn để vượt qua hoàn cảnh,” Dinh vừa nói vừa gạt những giọt nước mắt như chực trào ra khi những ký ức cũ ùa về.

Dinh bảo, để có tiền trang trải, ngay từ năm thứ nhất, cô đã tìm việc làm thêm. Việc đầu tiên là quét dọn ký túc xá. Mỗi sáng, từ 4 giờ 30, khi cả ký túc vẫn im lìm trong bóng tối, mọi người đang say giấc thì Dinh lại âm thầm đưa từng mái chổi. Năm thứ hai, Dinh đi làm gia sư để có thu nhập tốt hơn.

Không ngừng sáng tạo

Chỉ mới 6 năm đứng trên bục giảng, nhưng Dinh đã có 4 năm là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, một năm là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Chia sẻ về bí quyết của mình, Dinh chỉ cười bảo: “Từ nhỏ, em đã mơ ước trở thành giáo viên, ca sỹ và thầy thuốc. Nghề giáo viên mầm non chính là cơ hội tốt nhất cho em thực hiện tất cả các ước mơ đó cùng một lúc.”

Nói về những học trò của mình, ánh mắt cô giáo trẻ như thêm lấp lánh. Dinh kể về những cử chỉ hồn nhiên, những lời nói ngây thơ, những tình cảm ấm áp.  Rồi bất ngờ chùng giọng, Dinh bảo: “Vào mùa Đông, nhìn học trò mà rớt nước mắt. Nhiều em chịu rét mà không có quần áo mặc. Tôi cũng đã trải qua những ngày tháng đó, nhìn các em lại thấy chính mình, nên càng thương, càng xót xa hơn.”

Để bù đắp những thiệt thòi cho học trò, cô giáo trẻ Lò Thị Dinh đã không ngừng nỗ lực, học hỏi để có thể chăm sóc tốt nhất cho các em. 

Dinh tận dụng mọi vật dụng, từ chai lọ, vỏ hộp... để làm đồ chơi cho học sinh. Để các em hứng thú tới trường, Dinh tổ chức các buổi văn nghệ, chia bánh kẹo cho các em. Những ngày nghỉ Hè, thương học sinh không được đi du lịch cùng gia đình như học sinh thành phố, Dinh cùng đồng nghiệp xây dựng các lớp bồi dưỡng năng khiếu Hè tình nguyện. 

Là giáo viên vùng cao nhưng Dinh luôn chăm chỉ lên mạng internet, tìm các tài liệu, hình ảnh, video để làm cho bài giảng của mình thêm sinh động hơn, hấp dẫn hơn. "Ứng dụng công nghệ thông tin làm không khí lớp học sôi động hẳn, nhưng có điều cả trường chỉ có một chiếc máy chiếu, nên giáo viên phải chia nhau, học sinh cũng chịu thiệt thòi," cô giáo Dinh bộc bạch.

Với Lò Thị Dinh, giáo dục mầm non là giai đoạn khởi điểm của việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Trẻ tựa như một chồi non mới nhú, còn rất non nớt, nhạy cảm với tác động của môi trường xung quanh.

"Người giáo viên vì thế không chỉ là cô giáo, còn phải là người mẹ thực sự từ trong tim mình để cho các em niềm vui, khơi gợi sự say mê học tập từ những việc nhỏ nhất,” cô giáo Lò Thị Dinh chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục