Từ Monsoon, Peabo Bryson, Kenny G... nghĩ về điểm dừng chân

Chừng nào, công chúng chực sẵn tò mò, mong ngóng tự thân “Sau Kenny G sẽ là gì?” hay “Monsoon 2016 sẽ là những ai?” thì tương lai của âm nhạc Việt Nam mới nằm trong tay của các nhà sản xuất.
Từ Monsoon, Peabo Bryson, Kenny G... nghĩ về điểm dừng chân ảnh 1Huyền thoại saxophone Kenny G. (Ảnh: VPBank)

1. Vài năm trở lại đây, trước nỗ lực của những đơn vị tổ chức chương trình, nhà sản xuất âm nhạc trong nước, công chúng Việt Nam có thêm cơ hội được thưởng thức trực tiếp nhiều thành tựu nghệ thuật thế giới ngay tại Hà Nội.

Có thể điểm một số cái tên nổi bật, như: Live in concert Richard Clayman VPBank; In The Spotlight Peabo Bryson; Vở ballet Hồ thiên nga; Joss Stone, BOND, Samaris, Samsaya… (Monsoon 2015) và gần đây nhất là Live in concert Kenny G VPBank.

Công bằng mà nói, sự hiện diện của những tên tuổi đã được ghi danh trên bản đồ âm nhạc thế giới kể trên cũng chẳng đến mức “mưa rào lúc nắng hạn” song lại góp phần làm nên một diện mạo khác cho đời sống thưởng thức nội địa đang cơn bão hòa.

Nhất là một đất nước chưa có nền công nghiệp âm nhạc đúng nghĩa như Việt Nam, sự hiện diện  đó phần nào trả lời Việt Nam đã có một ý nghĩa nào đó, khi những tên tuổi nghệ sỹ nổi tiếng thế giới chọn như một điểm dừng chân.

Mặt khác, những đánh giá đầy tích cực và thiện chí từ ê kíp của Peabo Bryson, hay Joss Stone…được nhà sản xuất chia sẻ, trở thành minh chứng xác đáng rằng các đơn vị tổ chức và nhà sản xuất trong nước đã “ghi điểm” khi đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe về chất lượng, tưởng chừng bất khả.

Nói như vậy, bởi những tên tuổi như Peabo Bryson, Kenny G, Joss Stone, Samaris, Samsaya… không đến Việt Nam một mình, mà luôn kèm với ban nhạc của họ.

Đồng nghĩa, nhà tổ chức phải “cân não” tính toán tỷ thứ hằm bà lằng như cát sê có thể lên tới triệu đô; quy mô tổ chức, sân khấu; đòi hỏi khắt khe về chất lượng âm thanh ánh sáng, ăn ở khách sạn năm sao, xe riêng đi lại vào hàng vip; các vấn đề an ninh…

Như để mời được Peabo Bryson, nhà tổ chức đã phải “cân” cả ban nhạc và nhà sản xuất. Hay Kenny G mới đây cũng mang sang Việt Nam cả ban nhạc (trống, bộ gõ, bass, piano…) đã gắn bó với ông suốt ba thập kỷ.

Từ Monsoon, Peabo Bryson, Kenny G... nghĩ về điểm dừng chân ảnh 2Kenny G trước hàng nghìn khán giả Hà Nội. (Ảnh: VPBank)

Điều khoản này luôn đem tới tiêu chuẩn thưởng thức tốt nhất cho khán giả, mặc cho chi phí sản xuất và rủi ro khiến nhà sản xuất luôn phải đối diện với khoản lỗ ở nguy cơ cao.

Những không gian âm nhạc như Monsoon, có sân khấu hoành tráng với sức chứa hàng nghìn chỗ ngồi, chất lượng âm thanh sống động bởi dàn nhạc chơi live, cùng với đẳng cấp của nghệ sỹ… đã giúp công chúng Việt Nam từng bước tiệm cận với khái niệm “chương trình nghệ thuật chất lượng cao," được trải nghiệm những trạng thái hạnh phúc hiếm thấy trong âm nhạc.

Hay như Live in concert Kenny G VPBank tối 13/10, tiếng kèn của Kenny G đã thỏa mãn mong muốn được nghe trực tiếp những ca khúc quen thuộc như “Forever in Love,” “Songbird” hay “Going Home” như nhắc nhớ về những dấu ấn thần tượng và trào lưu âm nhạc một thời.

Nhiệt tâm chuẩn bị cả năm trời của nhà sản xuất được gói trọn trong vài giờ đồng hồ qua nhanh như chớp mắt. Những giấc mơ âm nhạc ngoài biên giới của công chúng Việt Nam, sau đó dần hiển hiện.

Họ chẳng phải sang tận xứ Bạch Dương, đặt vé hàng tháng trời mới được xem vở ballet “Hồ thiên nga,” cũng chẳng phải đến Mỹ để nghe Kenny G, hay bay qua Anh Quốc mới có thể thưởng lãm “Spice Girls không lời.”

Từ Monsoon, Peabo Bryson, Kenny G... nghĩ về điểm dừng chân ảnh 3Tứ tấu BOND trình diễn tại Monsoon 2015. (Ảnh: Thanh Việt)

2. Thế nhưng, hiện thực hóa giấc mơ trong nghệ thuật chưa bao giờ dễ dàng. Công thức “tiền nào của đó” vẫn lửng lơ và mơ hồ như một thể nghiệm chứa nhiều rủi ro với giới tổ chức nghệ thuật Hà Nội.

Thời người khôn của khó, mưu cầu ăn tinh, không chỉ ăn ngon, ăn no khiến làm nghệ thuật ở thị trường Việt Nam vì thế chưa bao giờ khốc liệt đến vậy.

Thực tế cho thấy, chẳng phải ngôi sao nào được mời về cũng sáng đến độ cháy vé.

Cú thua của Live in concert Richard Clayman VPBank năm ngoái và In The Spotlight Peabo Bryson năm nay đã trả lời, sự thành công của một chương trình không hoàn toàn nhờ vào tên tuổi ngôi sao.

Còn nhớ, năm ngoái khi Richard Clayderman chỉ sang một mình và biểu diễn trên nền nhạc playback cùng sự hỗ trợ của nhóm dàn dây nhạc viện Hà Nội. Kết quả, đêm nhạc nhận nhiều bỉ bôi hơn là khích lệ.

Vớ ballet “Hồ thiên nga” sau hai năm đàm phán, tiêu tốn cả núi tiền mới được đưa về Việt Nam cũng chẳng khiến khán giả mặn mòi và mãn nguyện với phiên bản sân khấu 3D, trên nền nhạc thu sẵn, cùng cái kết có hậu.

Và ngay cả sự trở lại của hai chương trình Live in concert Kenny G VPBank và Monsoon 2015 đang được dư luận, truyền thông chú ý và đánh giá là thành công, bởi đã khắc phục được những bất cập của năm trước, thì  đích đến của việc khởi tạo và duy trì những thương hiệu âm nhạc đẳng cấp vẫn còn đường xa, chênh vênh nhiều may rủi.

Bởi một nghệ sỹ saxophone với hơn 75 triệu đĩa được bán ra như Kenny G, hay “ông hoàng của những bản nhạc tình” với hai giải Grammy như Peabo Bryson khi đã đồng ý sang Việt Nam biểu diễn cùng ban nhạc của mình vẫn còn gặp phải những nghi ngại về đẳng cấp và sức hút của một bộ phận công chúng.

Từ Monsoon, Peabo Bryson, Kenny G... nghĩ về điểm dừng chân ảnh 4Peabo Bryson ngẫu hứng bên Hồng Kiên. (Ảnh: Mỹ Thanh)

Thậm chí, sau mọi nỗ lực của nhà sản xuất khi đã cất công ra nước ngoài để mục sở thị, học hỏi những festival đẳng cấp quốc tế và đến nước phải lấy cả tiền nhà bù lỗ mời bằng được những tên tuổi như Joss Stone, BOND, Samaris, Samsaya… để Monsoon 2015 trở thành “bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn” thì số vé bán ra vẫn chưa tương xứng.

Chưa kể, khá nhiều ý kiến tỏ ra tiếc rẻ, cho rằng nhà sản xuất mời phí quá, trong một đêm có quá nhiều ngôi sao, không cần thiết.

3. Khi thị trường âm nhạc, tồn tại nhiều phân tầng khán giả và thị hiếu thưởng thức vẫn được nhận định là “khó lường” thì định hướng và tư duy cực đoan của nhà sản xuất như chương trình Monsoon, từng có lần phát biểu: “Đừng làm những cái mà khán giả đang thích, mà hãy làm những điều đủ lôi kéo khán giả,” có lẽ là chưa đủ.

Những nhà sản xuất và tổ chức nghệ thuật còn phải có phẩm chất của nhà làm văn hóa cùng ý chí, bền bỉ.

Mặc dù, việc bảo trợ hay làm thương hiệu bằng đầu tư vào nghệ thuật là cách làm không mới của nhiều doanh nghiệp nhưng việc đưa ý tưởng và để lại dấu ấn trong thực tế rất khác nhau.

Tựu chung, việc khắc phục và bước tiếp từ thất bại của nhà tổ chức như VPBank và thái độ lao động nghệ thuật đầy nhiệt tâm, luôn hướng tới những điều tử tế, đẳng cấp của nhà sản xuất chương trình như Monsoon, In The Spotlight, đã và đang dần hình thành những “điểm hẹn” âm nhạc chất lượng cao, như một dấu ấn đậm đặc cho đời sống âm nhạc đương đại.

Ở một khía cạnh khác, như nhận định của giám đốc âm nhạc chương trình “Hồ thiên nga” Bùi Công Duy, thì sự góp mặt của những chương trình âm nhạc chất lượng cao, còn có ý nghĩa phổ cập và nâng cấp trình độ thưởng thức của công chúng.

“Chỉ cần một bộ phận khán giả trẻ khi xem, họ hiểu được và cảm thấy yêu thích nghệ thuật kinh điển như ballet, nhạc cổ điển và muốn theo học, thì đã là điều hối thúc chúng tôi nên đưa về,”  Bùi Công Duy chia sẻ.

Từ Monsoon, Peabo Bryson, Kenny G... nghĩ về điểm dừng chân ảnh 5Samaris biểu diễn tại Monsoon 2015. (Ảnh: Thanh Việt)

Tất nhiên, sau những đánh giá thành công thì những chương trình như Monsoon, Live in concert Kenny G… vẫn chưa hết những điểm trừ ở chỗ nọ, chỗ kia.

Và để biến thị trường âm nhạc Việt Nam thành "điểm dừng chân" của những giấc mơ đối thoại, trên con đường giao thoa, những nhà sản xuất, tổ chức nghệ thuật còn nhiều việc phải làm, tiếp tục bền bỉ, giàu ý chí.

Chừng nào, công chúng chực sẵn sự tò mò, mong ngóng tự thân “Sau Kenny G sẽ là gì?” hay “Monsoon 2016 sẽ là những ai?” thì khi đó tương lai của âm nhạc Việt Nam mới không ở ngoài xu thế phát triển của âm nhạc thế giới, là nằm trong tay của các nhà sản xuất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục