Tương lai vẫn chưa phẳng lặng trên chính trường Thái Lan

Sau khi vượt qua các thủ tục pháp lý cần thiết, dự thảo hiến pháp mới sẽ trở thành bản hiến pháp thứ 20 trong lịch sử lập hiến của Thái. Một chương mới của chính trường Thái Lan bắt đầu.
Tương lai vẫn chưa phẳng lặng trên chính trường Thái Lan ảnh 1Thủ tướng Prayuth Chan-ocha bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ở Bangkok ngày 7/8 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới của Thái Lan đã khép lại với việc đa số cử tri nước này chấp nhận bản dự thảo do chính quyền quân sự soạn ra.

Sau khi vượt qua các thủ tục pháp lý cần thiết, văn kiện này sẽ trở thành bản hiến pháp thứ 20 trong lịch sử lập hiến của nước Thái hiện đại. Một chương mới của chính trường Thái Lan bắt đầu. Đó sẽ là một giai đoạn với nhiều khó khăn và thách thức.

Ước tính, chỉ có khoảng 55% trong tổng số 50,5 triệu cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý. Đó là một con số đáng để suy nghĩ, khi mà trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2007, ngay sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ Thủ tướng Thaksin Shinawatra, tỷ lệ đi bỏ phiếu vẫn cao hơn với 57%.

Với tỷ lệ hơn 60% số phiếu ủng hộ, cử tri đã chấp nhận một bản dự thảo hiến pháp với nhiều nội dung gây tranh cãi, bất chấp nhiều phong trào vận động phản đối.

Theo giới phân tích, người dân có thể hy vọng rằng việc thông qua dự thảo hiến pháp sẽ mang đến sự ổn định thay vì các cuộc xung đột mà họ đã quá mệt mỏi và chán chường suốt 10 năm qua. Thế nhưng, trên thực tế, việc bản hiến pháp mới được thông qua cũng kéo theo nguy cơ chia rẽ đất nước.

Theo thống kê, cả hai câu hỏi trưng cầu dân ý lần này đều nhận được câu trả lời “Không” từ cử tri vùng Đông Bắc, vốn được xem là “căn cứ địa” của phong trào Áo Đỏ, lực lượng từng khuấy đảo chính trường Thái Lan.

Kết quả bỏ phiếu cũng có nghĩa là giờ đây chế độ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đang “mang nợ” sự tin tưởng của đa số cử tri. Chính phủ đương nhiệm ngay lập tức phải đối mặt với những thách thức của việc bắt đầu giai đoạn tiếp theo của lộ trình đi đến cuộc tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra vào cuối năm 2017.

Không thể lường trước được những trắc trở, chống đối tiếp theo từ nhiều phía, đặc biệt là từ các lực lượng phản đối đảo chính. Mặc dù các lực lượng này đã tuyên bố chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý, nhưng vẫn khẳng định quan điểm rằng bản hiến pháp mới không có được “tính chính danh” do nó đã được soạn ra mà không có sự tham khảo ý kiến của đại diện nhân dân. Những hạn chế trong việc tranh luận về nội dung hiến pháp trước cuộc trưng cầu dân ý đã không cho người dân có cơ hội hiểu hết về những bất cập của văn kiện này.

Đặc biệt, vấn đề kinh tế sẽ sớm nổi lên như một thách thức đối với chính quyền quân sự trong giai đoạn tiến tới tổng tuyển cử. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) đã cảnh báo vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này trong nửa đầu năm nay đã sụt giảm hơn 90%, từ mức 4,2 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái xuống còn 347 triệu USD - mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Nguyên nhân chính được cho là do bất ổn chính trị kéo dài sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Ngân hàng Thế giới (WB) trước đó cũng đã dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan năm 2016 sẽ ở mức thấp nhất trong số các nước ASEAN.

Điều đáng chú ý là khoảng 40% lực lượng lao động của Thái Lan sinh sống ở nông thôn, chủ yếu ở vùng Đông Bắc, nhưng lực lượng này chỉ đóng góp được hơn 10% Tổng sản phẩm nội địa (GDP). Câu hỏi hóc búa đối với các nhà lãnh đạo là làm thế nào để cải thiện được mức sống của bộ phận dân cư này khi nền kinh tế bị mất đà tăng trưởng. Lực lượng chống đối có thể lợi dụng sự trì trệ của nền kinh tế để khuấy động chính trường, gây bất ổn xã hội.

Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý sẽ không làm thay đổi đáng kể định hướng và cấu trúc của nền chính trị Thái Lan bởi đất nước này sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội. Dự thảo hiến pháp mới cũng sẽ tái tập trung quyền lực nhà nước bằng cách tăng thêm nhiệm vụ và quyền hạn của bộ máy quan liêu trong khi bỏ qua các cơ chế do dân bầu ra.

Bên cạnh đó, Thượng viện được chỉ định, các cơ quan độc lập như Ủy ban bầu cử, Tòa án Hiến pháp và Ủy ban chống tham nhũng sẽ có chức năng kiểm soát các chính phủ dân cử. Đây sẽ là các vấn đề sẽ bị phe chống đối khoét sâu khi xảy ra khủng hoảng.

Bất chấp cam kết của chính quyền quân sự tuân thủ lộ trình chính trị và sự phản ứng nhẹ nhàng của các lực lượng phản đối sau khi bản dự thảo hiến pháp được thông qua, tương lai chính trị của Thái Lan vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó không loại trừ khả năng cuộc tổng tuyển cử có thể bị trì hoãn một lần nữa.

Thái Lan vừa đi qua một thử thách và tương lai sẽ phải tiếp tục đối mặt với chặng đường nhiều cam go ở phía trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục