Tướng Nguyễn Chu Phác: Chiến trường đâu chỉ có đạn bom

Ký ức của Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ là những ngày bộ đội ta miệt mài kéo pháo vào rồi lại nỗ lực… kéo pháo ra.
Tướng Nguyễn Chu Phác: Chiến trường đâu chỉ có đạn bom ảnh 1Bộ đội ta kéo pháo vào trận địa (Ảnh tư liệu: TTXVN)

“Chiến trường đâu chỉ có đạn bom!” Trong khung cảnh thanh bình của một ngày tháng Tư, Thiếu tướng-tiến sỹ Nguyễn Chu Phác bồi hồi nhớ lại những ngày tháng hào hùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ký ức của ông về chiến dịch lịch sử ấy là những ngày bộ đội ta miệt mài kéo pháo vào rồi lại nỗ lực… kéo pháo ra, là những lúc đồng đội quây quần bên nhau học chữ, học hát giữa núi rừng Tây Bắc. Hồi ức ấy còn là hình ảnh về những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi rừng sâu và trên cánh đồng Điện Biên…

“Bao nhiêu đường đất vẫn cứ đi!”

Ngày ấy, Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác là Trung đội trưởng Trung đội xung kích của Đại đội 60, thuộc Tiểu đoàn 418 (Trung đoàn 57, Đại đoàn 304). Năm 1953, sau khi đánh chiến dịch Thượng Lào, đơn vị của ông hành quân lên Tây Bắc.

“Cả cuộc đời toàn đi và đi, bao nhiêu đường đất vẫn cứ đi…” miệng lẩm nhẩm lời hát từng gắn bó với cả quãng đời chiến đấu, vị Tướng già nhớ lại những tháng ngày hành quân cùng đồng đội. Ông kể, vào khoảng đầu năm 1954, sau khi hành quân bộ khoảng 500km lên tới Điện Biên Phủ, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ phối hợp cùng các đơn vị khác kéo pháo vào trận địa.

“Cụ thể, đơn vị tôi được giao trách nhiệm nâng càng và vít nòng pháo,” Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác chia sẻ.

Trong ký ức của ông, đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn. “Anh em chiến sỹ phải nâng càng pháo cao hơn mặt đất, rồi có lúc lại phải nhịp nhàng vít nòng pháo thấp xuống thì pháo mới di chuyển được trên địa hình phức tạp của núi rừng. Những khi trời mưa, bùn nước rất trơn, công việc lại càng nguy hiểm hơn,” Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác nhớ lại.

Khi những lớp lá ngụy trang được dỡ ra, những con đường đất đỏ gồ ghề (do lực lượng công binh chỉ dùng cuốc xẻng xẻ núi bạt rừng mà thành, chỉ vừa đủ rộng cho pháo di chuyển) hiện ra trước mắt.

Ký ức hiện về như thước phim quay chậm hiện ra trước mắt vị Tướng già. Ông bảo, nhiệm vụ chèn pháo khi pháo lên dốc hoặc xuống dốc cũng vô cùng quan trọng. Theo lời kể của ông, thông thường, hai chiến sỹ phối hợp cùng làm: Mỗi người cầm một khúc gỗ hình tam giác, tập trung cao độ vào việc nhìn bánh xe, sẵn sàng chèn. Khi đi qua những đoạn sườn núi chênh vênh, chỉ cần sơ ý một chút, pháo có thể đổ sang một bên và lao xuống vực thẳm.

“Những lúc trời mưa, đường trơn, bùn ngập nửa bánh xe, pháo rất dễ lao xuống đè vào người; bởi thế nên mới có hình ảnh ‘máu trộn bùn non’ khi gợi nhắc về chiến dịch Điện Biên Phủ oai hùng,” Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác bồi hồi xúc động.

Nói rồi, giọng người chiến sỹ Điện Biên năm xưa nghẹn lại…

Một đêm mưa, một khẩu pháo do đơn vị ông phụ trách bất ngờ lao xuống dốc. Sau những tiếng hô “Ghìm lại… Chèn ngay… Ôm chặt càng pháo đẩy về phía vách núi…” là tiếng thét thất thanh, đầy đau đớn: “Pháo đè lên em rồi! Đau lắm các anh ơi!”

“Đó là giọng của chiến sỹ Hà Ngọc Giá, quê ở Yên Thành, Nghệ An,” vị chỉ huy già kể lại. Khi khẩu pháo được kéo lùi lại, Hà Ngọc Giá được kéo ra, bụng Giá bị xé rách, máu chảy ướt đẫm.

“Trên đường đồng đội đưa đi cấp cứu, cậu ấy đã qua đời. Trong những phút đau đớn, Giá vẫn liên tục gọi ‘Mẹ ơi…!’ Người chiến sỹ ấy đã hy sinh trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi rừng sâu, núi cao thăm thẳm,” nói rồi, đôi mắt mờ đục của ông nhòe lệ.

Tướng Nguyễn Chu Phác: Chiến trường đâu chỉ có đạn bom ảnh 2Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác trong thời gian tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Vị Tướng già nghẹn ngào nói: “Tiếng gọi mẹ da diết, rồi lịm dần vì đau và hình ảnh đôi tay bắt chuồn chuồn, buông dần của người chiến sỹ ấy vẫn in đậm trong tôi cho đến tận ngày hôm nay.”

Kéo pháo vào, rồi lại… kéo pháo ra

Trầm ngâm bên khung cửa sổ, dõi ánh mắt đầy suy tư về phía dòng người đang hối hả ngược xuôi, ông hồi tưởng: “Vất vả, gian khổ là vậy nhưng khi vừa đưa được pháo vào cánh đồng Điện Biên, chúng tôi lại nhận được lệnh kéo pháo ra. Thật khó để diễn tả được tâm trạng của anh em chiến sỹ khi ấy.”

Vị trung đội trưởng năm xưa kể, khi đó, nhiều chiến sỹ đã cáo ốm, báo cáo bị đau tay, đau chân để từ chối nhiệm vụ này bởi họ tưởng quân ta sẽ rút lui, không dám đánh địch ở Điện Biên Phủ nữa.

“Phải đến khi chính trị viên giải thích, đây là mệnh lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp để thực hiện việc thay đổi kế hoạch tác chiến, tạo bất ngờ cho địch để đảm bảo ‘đã đánh là phải chắc thắng, giảm thiểu thương vong xuống thấp nhất,’. Nói đến Bác Hồ, đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh, anh em chiến sỹ lại hăng hái kéo pháo ra,” Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác nhớ lại.

Ông bảo, kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra lại càng gian khổ gấp trăm lần! Trên đường kéo pháo ra, nhiều đoạn đường đã bị lộ, dây thừng đã bị sờn ải sau nhiều ngày đêm chịu sức nặng của pháo và những lớp lá ngụy trang đã úa vàng… “Thế nhưng, không gì có thể cản bước bộ đội ta,” người lính già không giấu được niềm xúc động.

Nói tới đây, câu chuyện giữa vị Tướng già với người khách trẻ như bỗng hào hứng hơn. Ông nói: “Tôi vẫn nhớ như in tiếng hô vang đầy khí thế, sự tin tưởng của những người chiến sỹ Điện Biên năm xưa khi biết đó là chỉ thị của cụ Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tiếng ‘dô ta… dô ta nào…’ âm vang trong rừng sâu để kéo pháo trở ra lên lưng chừng núi.”

Trong hành trình kéo pháo gian khổ ấy nói riêng và trong những năm tháng ở mặt trận nói chung, hành trang của vị trung đội trưởng năm xưa vẫn luôn có sách toán và sách tiếng Pháp để tiếp tục học cùng một số sách văn học và chiếc kèn harmonica.

“Tại chiến hào ở cánh đồng Điện Biên, mỗi ngày, chúng tôi vẫn cùng các chiến sỹ ngồi quây quần bên nhau học hát khoảng 30 phút. Những ca từ của ‘Quê em miền trung du’ đã tạo nên một sức mạnh tinh thần để chiến sỹ vượt mọi gian khổ, tin tưởng chiến đấu và chiến thắng,” Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác kể.

“Chiến trường đâu chỉ có đạn bom!” nói rồi, ông nở nụ cười hiền hậu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục