Tuyên dương 130 học sinh đoạt giải quốc gia môn lịch sử

Lễ tuyên dương và trao thưởng cho 130 học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử vừa được Quỹ phát triển sử học Việt Nam tổ chức trang trọng sáng nay, ngày 22/4, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Tuyên dương 130 học sinh đoạt giải quốc gia môn lịch sử ảnh 1Ban tổ chức trao thưởng các học sinh. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Lễ tuyên dương và trao thưởng cho 130 học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử vừa được Quỹ phát triển sử học Việt Nam tổ chức trang trọng sáng nay, ngày 22/4, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Đây là những học sinh đã đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Trong số này có 6 em đoạt giải nhất, 53 em đoạt giải nhì, 71 em đoạt giải ba.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại diện Ban tổ chức, cho biết, phần thưởng này nhằm ghi nhận và khích lệ, động viên tinh thần các em tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong học tập, nhất là với môn lịch sử.

Được thành lập từ năm 2011, Quỹ Phát triển sử học Việt Nam bắt đầu tổ chức lễ trao thưởng hàng năm cho các  học sinh giỏi sử từ năm 2012. Tính đến năm 2015, đã có 764 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử được tuyên dương và trao thưởng. 

Bên cạnh đó, Quỹ còn trao học bổng cho 127 sinh viên ngành Sử thuộc 13 trường đại học trong cả nước. 

Theo ông Dương Trung Quốc, con số đó tuy chưa thấm vào đâu so với lượng sinh viên cả nước nhưng đó là sự nỗ lực hết mình nhằm động viên, khuyến khích niềm yêu thích, sự hứng thu để nuôi dưỡng niềm đam mê đối với môn lịch sử của thế hệ trẻ học đường.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao những nỗ lực và thành tích của thầy cô giáo và các em học sinh. Ông Hiển cho rằng giáo dục lịch sử đang được cả xã hội quan tâm và việc dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông cũng đang dần được thay đổi. 

“Môn lịch sử có ý nghĩa giáo dục rất lớn, nhất là trong bối cảnh đất nước đang đổi mới và hội nhập. Thông qua kiến thức lịch sử có thể giáo dục tư tưởng đạo đức, tình cảm, hình thành nhân cách, nhân sinh quan..., giúp học sinh rút ra được những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống và có đủ hiểu biết để ứng xử trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống,” ông Hiển nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục