Tuyển sinh 2011: Nhiều thay đổi có lợi cho thí sinh

Mùa thi đại học năm 2011, thời gian nộp hồ sơ dự thi muộn hơn so với năm 2010, trường gửi giấy báo làm phiền thí sinh sẽ bị xử phạt.
Tại Hội nghị tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp năm 2011 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 18/2, nhiều điểm mới dự kiến sẽ được áp dụng tại kỳ thi lần này đã thực sự tạo sự phấn chấn cho cả thí sinh và phụ huynh cũng như các thầy cô giáo.

Phạt thẳng tay với trường làm phiền thí sinh

Một điểm mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong quy định tuyển sinh năm 2011 được rất nhiều đại biểu ủng hộ là bổ sung chế tài xử lý cảnh cáo đối với các trường gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường, hạ điểm trúng tuyển các nguyện vọng trái quy định…

Ông Nguyễn Hồng Anh, Hiệu trưởng Đại học Quy Nhơn nói: “Quy định này sẽ giúp cho hoạt động tuyển sinh được nghiêm túc hơn.” Ông Hồng Anh cũng cho rằng, hình thức cảnh cáo là quá nhẹ, không đủ sức răn đe vì đây là lỗi cố ý. Nếu chỉ phạt cảnh cáo thì nhiều người sẵn sàng “hy sinh” để được việc.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Đại học Hòa Bình Đặng Ứng Vận lại cho rằng trường chỉ gửi “thư mời” mang tính chất cung cấp thông tin về trường cho thí sinh chứ không phải “giấy triệu tập”.

Trước ý kiến này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, đây chỉ là sự "đánh tráo" khái niệm. “Thư mời chẳng qua là sự khác biệt về từ ngữ, sắc thái, có tính chất lịch sự hơn, còn bản chất vấn đề vẫn là gọi thí sinh đến nhập học. Vì thế, nếu trường gửi thư mời vẫn bị phạt,” ông Luận nói.

Thí sinh khuyết tật được miễn thi?


Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế kiến nghị Bộ nên có ưu tiên cho đối tượng là thí sinh khuyết tật, cho phép các trường được xét tuyển dựa trên học bạ. “Trong thời gian qua, Đại học Huế đã tổ chức thi cho nhiều học sinh khuyết tật. Việc tổ chức thi  rất phức tạp. Chẳng hạn, với thí sinh khiếm thị cần người đọc đề, người ghi âm, người dịch từ bản chữ nổi sang chữ viết thường…” ông Toàn nói.

Ý kiến này của ông Toàn đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đặc biệt ủng hộ. Ông Luận khẳng định sẽ đề nghị Vụ pháp chế xem xét, nếu thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng thì ông hết sức ủng hộ. Nếu vượt thẩm quyền của Bộ trưởng, ông sẽ đề nghị cấp trên xem xét.

“Với các em khuyết tật, việc các em đến trường đã hết sức đáng khâm phục. Học đại học sẽ giúp các em có nghề, có thể tự lo cho bản thân, giúp các em tự tin hơn,” ông Luận nói.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, dù không phải tham dự kỳ thi chung nhưng các thí sinh này sẽ phải vượt qua kỳ kiểm tra trình độ do hiệu trưởng các đại học quy định.

Mặc dù đây là vấn đề mới được đặt ra nhưng nó hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội học tập tại các đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hơn cho thí sinh kém may mắn.

Thời gian nhận hồ sơ dự thi muộn hơn


Theo lịch công tác tuyển sinh năm 2011 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sáng nay, thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh sẽ muộn hơn 4 ngày so với năm 2010. Cụ thể, nếu năm 2010, thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ từ ngày 10/3 thì năm nay, thời gian nhận hồ sơ theo tuyến của các sở giáo dục và đào tạo bắt đầu từ ngày 14/3 đến hết ngày 14/4/2011. Tuyến nộp trực tiếp tại các trường đại học, cao đẳng bắt đầu từ ngày 15/4 đến hết ngày 21/4/2011.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sự điều chỉnh này giúp cho hai ngày cuối của đợt nộp hồ sơ đăng ký dự thi không trùng vào ngày thứ 7 và chủ nhật, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh.

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tiếp tục mở rộng đối tượng tuyển sinh, đó là những thí sinh có quốc tịch người nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Đối tượng này sẽ không phải dự thi kỳ thi tuyển sinh chung nhưng sẽ phải vượt qua bài kiểm tra riêng của các trường. Hiệu trưởng căn cứ kết quả học tập bậc trung học phổ thông, kết hợp với kết quả kiểm tra kiến thức và trình độ tiếng Việt của thí sinh để xét tuyển.

Sự điều chỉnh này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được ý kiến đồng thuận của rất nhiều trường đại học. Ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết, đây sẽ là cơ sở pháp lý để trường mở rộng hợp tác, xuất khẩu giáo dục, thu hút sinh viên quốc tế.

Ngoài ra, khi trúng tuyển, thí sinh cũng được giảm tải thủ tục hành chính phiền hà khi không phải nộp hồ sơ trúng tuyển như mọi năm./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục