Tỷ lệ doanh nghiệp ủng hộ Vương quốc Anh ở lại EU sụt giảm

Số lượng các doanh nghiệp hàng đầu của Vương quốc Anh ủng hộ việc nước này tiếp tục là thành viên của EU đã giảm đi trong vòng sáu tháng qua.
Tỷ lệ doanh nghiệp ủng hộ Vương quốc Anh ở lại EU sụt giảm ảnh 1

Công ty kế toán Deloitte ngày 4/1 thông báo số lượng các doanh nghiệp hàng đầu của Vương quốc Anh ủng hộ việc nước này tiếp tục là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã giảm đi trong vòng sáu tháng qua.

Theo kết quả khảo sát các giám đốc tài chính (CFO) của 350 công ty hàng đầu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán London và một số doanh nghiệp tư nhân lớn khác trong quý III/2015, 62% số giám đốc tài chính ủng hộ việc nước Anh nên ở lại EU, giảm từ mức 74% ghi nhận trong quý II/2015.

Thủ tướng David Cameron đã cam kết sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân trước năm 2017 về việc Vương quốc Anh nên ở lại hay ra khỏi EU, nhưng tháng trước, ông ngụ ý cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra trong năm 2016.

Trong khi đó, kết quả khảo sát thường kỳ do tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) thực hiện công bố ngày 3/1 cho thấy đa số giới kinh doanh ở nước này đều nhất trí với tuyên bố của Thủ tướng David Cameron rằng duy trì tư cách thành viên trong một Liên minh châu Âu (EU) đã cải cách có ý nghĩa sống còn, đảm bảo an ninh kinh tế của "xứ sở Sương mù."

Thủ tướng nước Anh đã đặt an ninh quốc gia và kinh tế làm lý do trọng tâm để kêu gọi cử tri lựa chọn ở lại thay vì rời bỏ EU. Tuy nhiên, nhiều nghị sỹ đảng Bảo thủ cho rằng ông Cameron sẽ từ chức nếu không đảm bảo được tương lai của nước Anh trong khối EU gồm 28 thành viên.

Theo tin từ London, trong khi Thủ tướng Cameron đang thương lượng lại các điều khoản liên quan tư cách thành viên EU của nước Anh trước khi tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về việc nước này nên ra đi hay ở lại EU, phần lớn trong số hơn 100 giám đốc tài chính và các nhà kinh tế tham gia khảo sát cho rằng triển vọng kinh tế của nước Anh sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu cử tri "xứ sở sương mù" quyết định rời khỏi EU.

Không một nhà kinh tế nào nghĩ rằng quyết định này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước Anh trong năm nay, thậm chí 67 người cho rằng triển vọng kinh tế của "xứ sở sương mù" sẽ đi xuống.

Hầu hết các nhà kinh tế chỉ ra rằng "Brexit" - thuật ngữ ám chỉ việc nước Anh rời khỏi EU - là nguy cơ hàng đầu đe dọa sự thịnh vượng của Vương quốc Anh, bởi nó có thể gây tâm lý không chắc chắn về vị thế của nước này trên thế giới, từ đó dẫn tới việc dòng vốn chảy ra nước ngoài.

Theo nhà kinh tế Neville Hill thuộc tập đoàn tài chính Credit Suisse, việc bỏ phiếu "Brexit" có thể biến thâm hụt tài khoản vãng lai của nước Anh trở thành vấn đề đáng lo ngại.

Thậm chí Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Citi Willem Buiter còn đưa ra những đánh giá bi quan hơn khi cho rằng nước Anh rời khỏi EU sẽ khiến Trung tâm tài chính London mất phần lớn các giao dịch thương mại liên quan đồng euro, khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước Anh sụp đổ, kéo theo nguy cơ suy thoái sâu và khủng hoảng tài chính.

Trong khi đó, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Charlie Bean nhận định nếu nước Anh rời khỏi EU, sự bấp bênh xung quanh các điều khoản cho phép doanh nghiệp Anh tiếp cận thị trường EU sẽ đe dọa môi trường đầu tư của "xứ sở sương mù" trong nhiều năm.

Khảo sát trên cũng cho thấy niềm tin của khối doanh nghiệp nước Anh ở mức thấp nhất kể từ năm 2012, với hầu hết các công ty lựa chọn cắt giảm chi phí thay vì tiến hành mở rộng thông qua các thương vụ mua bán hoặc tăng vốn đầu tư.

Chỉ khoảng hơn 50% số giám đốc tài chính dự kiến doanh thu tăng trong năm 2016, tỷ lệ thấp nhất trong hai năm rưỡi qua, giảm từ mức gần 70% trong quý III/2014.

Dù vậy, 68% giám đốc doanh nghiệp tỏ ra tin tưởng vào sự tăng trưởng của kinh tế Anh trong năm 2016. Cùng ngày, Liên đoàn Công nghiệp nước Anh (CBI) công bố thống kê sơ bộ cho hay kinh tế Anh kết thúc năm 2015 với kết quả tích cực, dù vậy CBI cảnh báo về một số rủi ro xuất phát từ kinh tế toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục