Tỷ lệ trẻ vị thành niên béo phì ở đô thị tăng nhanh

Tỷ lệ thừa cân ở trẻ vị thành niên tại TP.HCM đang tăng nhanh từ 12,5% năm 2004 lên 18,3% hiện nay; tỷ lệ béo phì tăng từ 1,7% lên 6,2%.
Tỷ lệ thừa cân ở trẻ vị thành niên tại các quận nội thành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng nhanh từ 12,5% năm 2004 lên 18,3% hiện nay; tỷ lệ béo phì tăng từ 1,7% lên 6,2%.

Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất về tình hình thừa cân, béo phì ở trẻ vị thành niên tại các quận nội thành trên địa bàn thành phố do tiến sỹ-bác sỹ Tăng Kim Hồng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch công bố tại Hội thảo khoa học “Béo phì từ nhận thức cộng đồng đến thực hành y khoa” do Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 21/1.

Cũng theo nghiên cứu này, từ năm 2004 đến nay, thời gian dành cho các hoạt động thể lực ở trẻ vị thành niên giảm từ 81 phút/ngày xuống còn 60 phút/ngày, thời gian dành cho các hoạt động tĩnh như chơi game, xem tivi, học thêm... tăng từ 120 phút/ngày lên 210 phút/ngày.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy việc ăn sáng mỗi ngày sẽ làm giảm nguy cơ thừa cân, béo phì đến 60%.

Theo bác sỹ Tăng Kim Hồng, rất đáng ngại là tình trạng thừa cân và béo phì ở trẻ vị thành niên trên địa bàn thành phố đang gia tăng một cách nhanh chóng và số mắc mới không ngừng tăng lên hàng năm.

Trong khi đó, tuổi vị thành niên là giai đoạn mang ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển và trưởng thành của mỗi người. Thừa cân béo phì ở độ tuổi vị thành niên sẽ làm gia tăng nguy cơ béo phì ở giai đoạn trưởng thành (70% trẻ vị thành niên béo phì sẽ bị béo phì khi trưởng thành).

Đồng thời, tình trạng béo phì sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây như đái tháo đường, tim mạch, thấp khớp, mỡ trong máu..., làm những bệnh đã mắc phải trầm trọng thêm và gây ra những vấn đề tâm lý như trầm cảm, tự ti.

Do đó, cần có chiến lược phòng, chống và kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ vị thành niên; tăng cường sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội và y học; can thiệp phổ biến kiến thức nhằm tăng hoạt động thể lực ở trẻ, thay đổi thói quen sinh hoạt, hành vi ăn uống...

Việc nghiên cứu này do Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Trung tâm Dinh dưỡng thành phố phối hợp thực hiện./.

Mai Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục