Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh ở Việt Nam còn cao

Tại VN, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi đã giảm tuy nhiên tỷ lệ tử vong sơ sinh còn cao chiếm 70% tử vong trẻ dưới 1 tuổi.
Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi đã giảm tuy nhiên tỷ lệ tử vong sơ sinh còn cao chiếm tới 70% tử vong trẻ dưới 1 tuổi và trên 50% tử vong trẻ dưới 5 tuổi.

Tỷ lệ tử vong trẻ em ở các khu vực miền núi, vùng sâu, hẻo lánh, nông thôn hay trong các gia đình nghèo cao gấp 3 - 4 lần so với vùng đồng bằng và các gia đình khá giả.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo "Phổ biến Kế hoạch hành động quốc gia vì sự sống còn của trẻ em" do Bộ Y tế tổ chức ngày 7/10.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Duy Khuê, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ-trẻ em, Bộ Y tế cho biết, theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi đã giảm tương ứng từ 35 và 42 năm 2001 xuống còn 16 và 26 năm 2006.

Cùng với giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng ở Việt Nam cũng giảm từ 31,9% (năm 2001) xuống 19,9% (năm 2008); tiêm chủng mở rộng là chương trình thành công nhất trong các chương trình liên quan đến sức khỏe trẻ em với trên 90% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em nói chung, chăm sóc sức khỏe trẻ em nói riêng ở Việt Nam vẫn còn phải đương đầu với nhiều thách thức như sự khác biệt quá lớn giữa các vùng kinh tế-xã hội và địa lý trong chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Việt Nam vẫn nằm trong số các nước có số lượng tử vong trẻ em nhiều trong khu vực cũng như trên toàn thế giới; mạng lưới và chất lượng chăm sóc trẻ bệnh chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh; kinh phí dành cho y tế nói chung thấp nhất trong các nước trong khu vực và dành cho trẻ em nói riêng thấp hơn nhiều so với yêu cầu.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm khẳng định, Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch hành động vì sự sống còn của trẻ em giai đoạn 2009 - 2015 với mục tiêu "Củng cố và mở rộng diện bao phủ các can thiệp thiết yếu vì sự sống còn của trẻ em; cải thiện sức khỏe và giảm tỷ lệ tử vong trẻ em ở tất cả các vùng, miền trong cả nước".

Thực hiện Kế hoạch hành động này cũng đồng thời hưởng ứng Chiến lược vì sự sống còn của trẻ em của WHO/UNICEF khu vực và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể về nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ em đạt Mục tiêu thiên niên kỷ là giảm 2/3 tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi trong giai đoạn 1990 - 2015.

"Kế hoạch hành động vì sự sống còn của trẻ em giai đoạn 2009 - 2015" được triển khai với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 18; tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 1 tuổi xuống dưới 15; tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh xuống dưới 10; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi cân nặng theo tuổi dưới 15% và suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi xuống dưới 25%.

Đối tượng của kế hoạch hành động này là tất cả trẻ em từ 0 - 5 tuổi trong địa bàn toàn quốc với các gói can thiệp thiết yếu như: chăm sóc bà mẹ trong thời gian mang thai, trong và sau đẻ; chăm sóc sơ sinh; nuôi con bằng sữa mẹ và nuôi dưỡng trẻ nhỏ; bổ sung vi chất; tiêm chủng cho trẻ em và bà mẹ; lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh và nằm màn có tẩm hoá chất diệt muỗi ở các vùng lưu hành sốt rét./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục