Ukraine cùng những thách thức sau cuộc bầu cử Quốc hội

Cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine với những tỷ lệ phiếu bầu sít sao đang khiến cho việc thành lập liên minh cầm quyền ở quốc gia Đông Âu này trở nên khó khăn.
Ukraine cùng những thách thức sau cuộc bầu cử Quốc hội ảnh 1Cử tri bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Donetsk. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine với việc “Khối Poroshenko” của Tổng thống Petro Poroshenko và đảng Mặt trận nhân dân của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk giành được tỷ lệ phiếu sít sao đang khiến cho việc thành lập liên minh cầm quyền ở quốc gia Đông Âu này trở nên khó khăn.

Cùng với đó, việc hai nước Cộng hòa nhân dân tự xưng ở miền Đông Ukraine là Donetsk và Lugansk tẩy chay bầu cử và tiến hành các cuộc bầu cử riêng rẽ đã cho thấy những chia rẽ và mâu thuẫn sâu sắc hơn ở quốc gia này.

Mặc dù kết quả chính thức chưa được công bố, song tiến trình đàm phán nhằm thành lập liên minh cầm quyền ở Ukraine sau bầu cử đã được xúc tiến.

Cả Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Yatsenyuk đều đưa ra kế hoạch của riêng mình và khả năng đi tới một thỏa thuận hiện chưa chắc chắn.

Việc Tổng thống Poroshenko tuyên bố ủng hộ ông Yatsenyuk tiếp tục giữ chức thủ tướng dường như chưa đủ để thuyết phục đảng “Mặt trận nhân dần” liên minh với “Khối Poroshenko.”

Thậm chí, ông Yatsenyuk còn thẳng thừng bác bỏ các đề xuất của Tổng thống Poroshenko, đồng thời cảnh báo rằng đảng của ông sẵn sàng thành lập liên minh với các đảng "Tự cứu" của Thị trưởng Lvov Andriy Sadovy và đảng "Tổ quốc" của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko.

Một số nhà phân tích nhận định rằng khối của ông Poroshenko khó có thể thành lập một đa số vững chắc và nhất quán tại Quốc hội với 4 hoặc 5 đảng.

Nếu kịch bản trên xảy ra, vai trò của Tổng thống Poroshenko sẽ yếu đi đáng kể và ông sẽ không có sự hẫu thuẫn cho các chính sách của mình trong Quốc hội.

Việc ông Yatsenyuk muốn trở thành một đối tác bình đẳng với Tổng thống Poroshenko trong việc lãnh đạo quốc gia đi theo đường hướng thân phương Tây cho thấy tham vọng chính trị và những mâu thuẫn nội bộ trong giới lãnh đạo Ukraine.

Nếu như các cuộc biểu tình quy mô lớn bùng phát ở Kiev hồi cuối năm ngoái đã khiến ông Poroshenko và ông Yatsuneuk trở thành đồng minh, thì cuộc bầu cử lần này đang ngày càng bộc lộ những bất đồng giữa họ.

Trong trường hợp "Khối Poroshenko" không giữ vị trí then chốt trong Quốc hội mới, chính trường Ukraine sẽ chẳng có gì khác gì so với trước khi liên minh cầm quyền cũ bị giải tán.

Hơn nữa, việc ông Yatsenyuk tiếp tục giữ chức thủ tướng và có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của liên minh cầm quyền trong Quốc hội được dự báo sẽ khiến cuộc khủng hoảng tại Ukraine càng thêm phức tạp.

Nếu như ông Poroshenko muốn ổn định tình hình ở miền Đông thông qua việc củng cố các thỏa thuận ngừng bắn đã có hiệu lực từ đầu tháng Chín vừa qua, thì Thủ tướng Yatsenyuk lại muốn chính quyền Ukraine tiếp tục cuộc chiến ở Donbass cho tới khi "sạch bóng" những tay súng đòi độc lập.

Ông Yatsenyuk muốn "thanh lọc sắc tộc" tới mức không còn tư tưởng thân Nga trên lãnh thổ Ukraine. Cùng với sự cổ vũ của phương Tây, quan điểm dân tộc cực đoan của ông Yatsenyuk và đảng “Mặt trận nhân dân” đang đặt Ukraine trước nguy cơ nội chiến đẫm máu hơn.

Trước cuộc bầu cử, dư luận quốc tế hy vọng quốc hội mới ở Ukraine có thể giúp chấm dứt thảm kịch của một đất nước đang bị chia rẽ, song kết quả cũng như bối cảnh diễn ra cuộc bầu cử với nhiều khó khăn như cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và cuộc xung đột đẫm máu ở miền Đông đã làm hơn 4.000 người chết và 824.000 người phải đi tị nạn từ tháng Tư vừa qua khiến dư luận tỏ ra thận trọng và bi quan.

Ukraine tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là phải nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra tại miền Đông. Kết quả của cuộc bầu cử quốc hội vừa qua với việc phe thân Phương Tây thắng thế chắc chắn sẽ làm gia tăng quyền lực của Kiev đối với khu vực miền Đông.

Theo các chuyên gia, chừng nào quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn còn tiếp tục thì miền Đông Ukraine vẫn còn là bãi chiến trường. Thách thức thứ hai là kinh tế. Quốc hội Ukraine đã thông qua các kế hoạch cải cách kinh tế triệt để nhằm cứu vãn đất nước đang bên bờ vực phá sản từ cuối năm 2013.

Liên minh cầm quyền sắp tới phải giải tỏa được những khó khăn do sự vay mượn từ các định chế tài chính quốc tế gây ra. Chính quyền mới sẽ phải giải quyết cấp bách cuộc xung đột về khí đốt với Nga đang làm cho Ukraine mất đi nguồn khí đốt giá rẻ từ tháng Sáu, nhất là khi mùa Đông đang tới gần.

Dù đã nhận được sự bảo đảm của Liên minh châu Âu (EU) về số tiền trả nợ mua khí đốt của Nga, song chắc chắn cuộc tranh cãi về khí đốt giữa Kiev và Moskva chưa thể đến hồi kết.

Nền kinh tế Ukraine có phục hồi được hay không trước mắt phụ thuộc vào khả năng của nước này nhập đủ khí đốt trước mùa Đông để vận hành nền công nghiệp đang bị tê liệt.

Cùng với những thách thức trên, việc giải quyết ổn thỏa mối quan hệ giữa Ukraine và Nga là vô cùng quan trọng bởi cho đến nay chưa có dấu hiệu về sự cải thiện quan hệ song phương.

Những tin tức về sự "xích lại gần nhau" giữa hai nước sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Poroshenko tại Milan (Italy) hồi tuần trước vẫn chỉ là “mực trên giấy.”

Nga chắc chắn sẽ không thể ngồi yên trước một Ukraine đang ngày càng xích lại gần châu Âu và Moskva sẽ sẵn sàng làm tất cả để ngăn chặn sự tồn tại ở biên giới của mình một đất nước Ukraine thân châu Âu - nơi có thể sẽ có các căn cứ quân sự của NATO.

Trong bối cảnh hiện nay, Ukraine cần một liên minh chính trị đoàn kết, thống nhất để vãn hồi hòa bình và tiến hành cải cách sâu rộng nhằm đưa đất nước thoát khỏi cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Thế nhưng, tình hình Ukraine hậu bầu cử đang cho thấy quốc gia này sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức mới, thậm chí phức tạp hơn do nguy cơ đấu đá tranh giành quyền lực giữa các đảng phái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục