Ukraine ra điều kiện cho việc triển khai phái bộ gìn giữ hòa bình

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhấn mạnh việc triển khai một phái bộ của Liên hợp quốc tới đây "phải nhằm duy trì một nền hòa bình bền vững."
Ukraine ra điều kiện cho việc triển khai phái bộ gìn giữ hòa bình ảnh 1Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 7/9, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã nêu các điều kiện của Kiev cho việc triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tới khu vực xung đột ở miền Đông nước này theo đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trước đó, Nga đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho phép triển khai một phái bộ vũ trang hạng nhẹ đến bảo vệ các quan sát viên quốc tế đang giám sát cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. Moskva muốn lực lượng này chỉ hoạt động ở dọc giới tuyến giữa các lực lượng Chính phủ Ukraine với các lực lượng được Nga ủng hộ, và việc triển khai này phải được lực lượng nổi dậy ở Đông Ukraine nhất trí.

Tuy nhiên, ông Poroshenko - người từ lâu cũng kêu gọi triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tới khu vực này, đã phản đối đề xuất của phía Nga và nhấn mạnh phái bộ của Liên hợp quốc phải được phép tuần tra trên toàn khu vực xung đột và biên giới giữa Nga với vùng lãnh thổ mà lực lượng đòi độc lập đang kiểm soát.

Phát biểu tại một cuộc họp thường niên với các nghị sĩ, Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh việc triển khai một phái bộ của Liên hợp quốc tới đây "phải nhằm duy trì một nền hòa bình bền vững." Ông cho biết Kiev sẵn sàng thảo luận về đề xuất trên tại Liên hợp quốc.

[Tổng thống Ukraine đề nghị ngừng bắn ngay lập tức tại Donbass]

Trước đó, Berlin đã "hoanh nghênh về nguyên tắc" đề xuất của Nga, đồng thời cho biết cần chờ xem liệu các bên có thể đạt một thỏa thuận chi tiết hay không. Trong khi đó, phó phát ngôn viên Chính phủ Liên bang Đức Ulrike Demmer cho rằng lực lượng gìn giữ hòa bình cần được triển khai trên toàn bộ khu vực xung đột ở miền Đông Ukraine, chứ không chỉ ở riêng khu vực giới tuyến giữa quân đội Ukraine và lực lượng nổi dậy.

Hiện khoảng 600 quan sát viên của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đang có mặt tại Đông Ukraine, song sự hiện diện của họ cũng không giúp chấm dứt giao tranh. Một thỏa thuận hòa bình ký tại thủ đô Minsk của Belarus năm 2015 do Đức và Pháp làm trung gian đã không được thực hiện vì Moskva và Kiev cáo buộc lẫn nhau không tuân thủ các nghĩa vụ của mình. Trong 3 năm qua, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã khiến khoảng 10.000 người thiệt mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục