Ukraine trải qua một năm đầy biến động với các cuộc khủng hoảng

Xung đột vũ trang suốt 8 tháng qua ở miền Đông, sự đổ vỡ khó hàn gắn trong quan hệ với nước láng giềng Nga là hệ lụy từ chính sách của Kiev xoay trục từ Đông sang Tây.
Ukraine trải qua một năm đầy biến động với các cuộc khủng hoảng ảnh 1Người biểu tình sau rào chắn trong cuộc đụng độ với cảnh sát tại Kiev ngày 20/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Việc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 29/12 ký ban hành đạo luật bãi bỏ quy chế phi liên minh quân sự của Kiev, mở đường để nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã khép lại năm 2014 đầy biến động đối với quốc gia Đông Âu này, song khủng hoảng vẫn chưa có hồi kết.

Xung đột vũ trang suốt 8 tháng qua ở miền Đông, sự đổ vỡ khó hàn gắn trong quan hệ với nước láng giềng Nga, tương lai bấp bênh trong tiến trình hội nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO,... đều là hệ lụy từ chính sách của Kiev xoay trục từ Đông sang Tây.

Những điểm nhấn nổi bật trong bức tranh toàn cảnh xã hội Ukraine năm 2014 là làn sóng biểu tình Maidan, cuộc chính biến với sự hậu thuẫn của phương Tây lật đổ chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovich, lập ra chính quyền mới chủ trương "thoát Đông, ngả Tây", phong trào đòi độc lập ở miền Đông - Nam cùng chiến dịch trấn áp của chính phủ dẫn tới xung đột đổ máu kéo dài. Hiệp định liên kết giữa Ukraine và EU cuối cùng đã được ký kết, một ê kíp chính quyền mới được thành lập sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 5 và bầu cử quốc hội tháng 10, sự ủng hộ tán thưởng của Mỹ và phương Tây trong bước đường "Tây tiến" của Kiev. Tuy nhiên, ở một đất nước có tới 18% dân số là người gốc Nga và tiếng Nga được công nhận là ngôn ngữ chính thức tại 13 trong số 27 tỉnh, thành như Ukraine, chính sách hội nhập phương Tây có phần cực đoan đã gây tâm lý bất an trong người dân, đặc biệt ở miền Đông - Nam, nơi phần lớn là người gốc Nga hoặc nói tiếng Nga sinh sống.

Khi sự chia rẽ trong xã hội Ukraine bị đẩy lên đến đỉnh điểm, làn sóng phản đối ở miền Đông lan rộng thành phong trào đòi độc lập, chính phủ đã thực hiện chiến dịch quân sự với pháo hạng nặng và không kích để trấn áp. Theo Liên hợp quốc, ít nhất 4.700 người đã thiệt mạng và trên 10.300 người bị thương kể từ giữa tháng 4/2014 trong cuộc xung đột vũ trang ở miền Đông Ukraine. Cho tới nay, cùng với các nỗ lực ngoại giao dồn dập, một loạt thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết, song hòa bình ở miền Đông Ukraine vẫn hết sức mong manh.

Với vị trí địa chính trị là đất nước vùng đệm giữa Nga và phương Tây, bản thân lại phụ thuộc nhiều vào Moskva về kinh tế, năng lượng, việc chọn ngả hoàn toàn theo EU và NATO khiến Kiev tự đẩy mình vào thế làm "con tin" cho quan hệ chưa bao giờ yên ả giữa Nga và phương Tây. Mối bang giao với nước Nga đổ vỡ, không xuất được nông sản sang Nga, bị cắt nguồn cung khí đốt giá rẻ, hiện các doanh nghiệp lớn của Ukraine buộc phải thu hẹp hoạt động do khan hiếm năng lượng, kéo nền kinh tế càng chìm sâu vào suy thoái.

Trước thềm năm mới 2015, đồng grivna mất giá thảm hại, 80% doanh nghiệp mỏ phục vụ xuất khẩu ở miền Đông ngừng hoạt động, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ mức dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này xuống âm 8% trong năm 2014, hãng xếp hạng S&P cảnh báo nền kinh tế Ukraine chỉ còn khả năng cầm cự vài tháng nữa trước khi phải tuyên bố vỡ nợ. Một lần nữa, đường lối “mua anh em xa, bán láng giềng gần" của chính quyền Kiev đã đẩy đời sống người dân vào tình thế vô cùng khó khăn.

“Đổi chiều” bằng mọi giá, song “ước mơ xanh” của Kiev gia nhập NATO như một đòn đối trọng với Nga đã bị Ngoại trưởng Đức cảnh báo: thời điểm chưa đến. Trong khi đó, việc gia nhập EU và hưởng những lợi ích từ Khu vực thương mại tự do với EU cũng rất xa vời khi nhìn vào quá trình đáp ứng các tiêu chuẩn cao, minh bạch hóa, tái thiết hạ tầng,... theo yêu cầu của EU. Mặt khác, quan hệ giữa Ukraine và Nga chắc chắn sẽ chịu tác động tiêu cực nếu Kiev gia nhập NATO bởi Moskva luôn coi việc NATO mở rộng sang phía Đông và tiến sát biên giới Nga là mối đe dọa những lợi ích chiến lược cốt lõi của mình.

Bước sang năm 2015, một số tín hiệu tích cực cho phép hy vọng vào tiến trình hòa bình khi đại diện Kiev công nhận tư cách đàm phán giải quyết xung đột của hai nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng là Donetsk và Lugansk - đại diện cho 4 triệu người dân miền Đông. Lệnh ngừng bắn cũng lần đầu tiên được tuân thủ đầy đủ tại khu vực xung đột từ ngày 9/12.

Lập lại hòa bình sẽ cho phép lãnh đạo Ukraine tái thiết nền kinh tế, thực hiện cải cách, đặc biệt là nối lại hợp tác với Nga trong lĩnh vực khí đốt – sự hợp tác không chỉ mang lại lợi ích kinh tế lớn, mà còn đảm bảo vai trò trung gian không thể thiếu của Ukraine trong hệ thống cung cấp khí đốt toàn châu Âu. Tất cả phụ thuộc vào ý chí chính trị của ban lãnh đạo Ukraine, song mọi chuyện sẽ không dễ dàng khi quan hệ giữa tổng thống và thủ tướng nước này trong cảnh “bằng mặt không bằng lòng”. Người đứng đầu nhà nước với quan điểm mong muốn nối lại quan hệ với Nga, còn người đứng đầu chính phủ lại “chủ chiến”, ngả hẳn về phương Tây và cắt đứt mọi quan hệ với Nga.

Ukraina đang bước trên con đường "hướng Tây" chông chênh. Vốn là cánh cửa địa lý tự nhiên mở ra châu Âu, vị trí của Ukraine trên trường quốc tế nên là cây cầu nối liền Đông-Tây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục