UNESCO đề cao giáo dục trong phát triển bền vững

Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định giáo dục có vai trò sống còn để kết hợp các ngành và những tri thức vì mục tiêu phát triển.
Phát biểu khai mạc Hội nghị về vai trò của giáo dục trong phát triển bền vững đang diễn ra ở Oman ngày 26/1, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), bà Irina Bokova, khẳng định phát triển bền vững cần một đường lối đa ngành và đa tri thức.

Trong đó giáo dục có vai trò sống còn để kết hợp các ngành và những tri thức này vì mục tiêu phát triển, đặc biệt xây dựng các liên kết giữa giáo dục vì phát triển bền vững với đa dạng văn hóa và đa dạng sinh học.

Bà Bokova nhấn mạnh phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của nhân loại. Thách thức này làm tăng các vấn đề phức tạp của quản trị toàn cầu.

Bà nêu rõ sự bền vững của phát triển bắt đầu từ mỗi con người, từ thái độ và cách hành xử của mỗi con người.

Giáo dục có vai trò quyết định trong lĩnh vực này. Phát triển bền vững cần xây dựng trên sự đa dạng văn hoá và đa dạng sinh học. Vì vậy, cần xây dựng các cơ chế pháp lý quốc tế mạnh hơn và huy động các nguồn tài chính lớn hơn trên quy mô toàn cầu.

Tổng Giám đốc UNESCO cho biết cơ quan này đang đi tiên phong theo định hướng này với tư duy rõ ràng rằng các xã hội và các hệ sinh thái sẽ có sức bật lớn hơn khi con người phát huy được sự đa dạng của nó.

Đây cũng là cách thức để định hình các tư duy mới và nuôi dưỡng những thực tiễn mới nhằm xây dựng những xã hội năng động hơn có thể đáp ứng tốt hơn các sức ép cải tổ. Đây cũng là mục tiêu của Thập kỷ Liên hợp quốc về giáo dục vì phát triển bền vững bắt đầu từ năm 2005.

Quan chức Liên hợp quốc cho biết UNESCO đang thúc đẩy 4 nhiệm vụ vì các mục tiêu giáo dục vì phát triển bền vững.

Một là định hướng lại các chương trình giáo dục hiện hành, trong đó nhấn mạnh sửa đổi chương trình giảng dạy về khoa học và toán học cũng như khoa học xã hội và nhân văn.

Hai là nỗ lực nâng cao hiểu biết công và nhận thức xã hội để tiến tới thay đổi lối sống.

Ba là phản ứng và thích nghi tốt hơn đối với các thảm hoạ thiên nhiên và những sức ép từ biến đổi khí hậu. Bốn là nhấn mạnh vai trò quyết định của đào tạo con người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục