"Ứng dụng công nghệ càng cao, nguy cơ bị tấn công mạng càng lớn”

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết khi ứng dụng công nghệ ngày càng cao thì nguy cơ bị tấn công mạng ngày càng lớn.
"Ứng dụng công nghệ càng cao, nguy cơ bị tấn công mạng càng lớn” ảnh 1Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cảnh báo các đơn vị không được chủ quan vì tấn công mạng ngày càng có quy mô lớn và nguy hiểm. (Ảnh: M.Quyết/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết khi ứng dụng công nghệ ngày càng cao thì nguy cơ bị tấn công mạng ngày càng lớn.

Thông tin trên được ông Tuấn đưa ra tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra sáng 14/7.

Theo người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, đơn vị này phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.

"Đặc biệt vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kịp thời đưa ra cảnh báo tới các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam về các phương thức tấn công khai thác hệ thống mới của nhóm tin tặc Shadow Brokers; cảnh báo và khuyến nghị xử lý trước nguy cơ bị mã độc WannaCry tấn công, mã hóa dữ liệu quan trọng để đòi tiền chuộc; đưa ra hướng dẫn để thực hiện các biện pháp xử lý khẩn cấp mã độc này," Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

[Bức tranh “tối màu” về tình hình an toàn thông tin nửa cuối 2017]

Ông Tuấn cũng cho rằng, đây là "một trong những nguyên nhân giúp Việt Nam ít bị ảnh hưởng trong khi rất nhiều nước khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng" trước WannaCry.

Tuy vậy, ông Tuấn cảnh báo các đơn vị không được chủ quan vì tấn công mạng ngày càng có quy mô lớn và nguy hiểm. Và, khi ứng dụng công nghệ ngày càng cao thì nguy cơ bị tấn công càng lớn.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới. Các đơn vị chức năng đã ngăn chặn được nhiều cuộc tấn công vào các trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương, nhưng một số trang thông tin của các cảng hàng không vẫn bị xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát. Số lượng người dùng Windows XP tại Việt Nam là khá lớn, nhưng vì không còn dịch vụ hỗ trợ bảo mật từ nhà cung cấp là Microsoft nên các lỗi an ninh vĩnh viễn không được vá khiến các máy tính cài Windows XP trở thành vật trung gian gây lây nhiễm phần mềm độc hại cho các máy tính và các mạng khác.

Ngoài ra, nhiều cơ quan, tổ chức không thực hiện kiểm tra, đánh giá, quản lý rủi ro về an toàn thông tin dẫn đến không phát hiện ra những nguy cơ, lỗ hổng, mã độc tiềm ẩn sẵn trong hệ thống từ trước; chưa có quy trình thao tác chuẩn để phản hồi, xử lý khi xảy ra sự cố. Điều này dẫn đến việc hết sức lúng túng, bị động trong việc khắc phục; chưa triển khai áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin theo quy định hoặc theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Cùng lúc, nguồn nhân lực an toàn thông tin hiện còn thiếu và yếu.

"Ứng dụng công nghệ càng cao, nguy cơ bị tấn công mạng càng lớn” ảnh 2Hình ảnh website bị hacker thay đổi giao diện trong một số trường hợp bị tấn công trong thời gian qua. (Ảnh chụp màn hình)

[Hơn 6.000 website của Việt Nam gặp sự cố trong nửa đầu năm 2017]

Trong một trao đổi mới đây với phóng viên VietnamPlus, đại diện của hai công ty về an ninh mạng lớn nhất Việt Nam là Bkav và CMC Infosec đều dự báo tình hình an ninh mạng sẽ tiếp tục có "bức tranh màu xám” trong thời gian tới.

Bởi vậy, ông Tuấn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, phát triển nguồn nhân lực, tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an toàn thông tin. Đặc biệt, cần hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương tổ chức giám sát và ứng phó kịp thời trước các nguy cơ tấn công mạng./.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Khi ứng dụng công nghệ ngày càng cao thì nguy cơ bị tấn công càng lớn.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục