Ứng dụng công nghệ viễn thám trong dự báo và giám sát lũ lụt

Dự án ứng dụng công nghệ viễn thám trong dự báo và giám sát lũ lụt giúp quản lý thiệt hại do lũ gây ra đối với lưu vực sông của Việt Nam.
Ứng dụng công nghệ viễn thám trong dự báo và giám sát lũ lụt ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Ngày 12/3, tại Hà Nội, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phối hợp với cơ quan khai thác không gian Nhật Bản (JAXA) tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả Dự án “Ứng dụng công nghệ viễn thám trong dự báo, cảnh báo và giám sát lũ lụt.”

Dự án thực hiện từ tháng 4/2011-3/2014 nhằm hỗ trợ các Chính phủ Việt Nam, Bangladesh và Philippines cải thiện các hệ thống giám sát và cảnh báo trong quản lý rủi ro do lũ lụt gây ra với chi phí hợp lý; kinh nghiệm thực tiễn thông qua ứng dụng công nghệ dựa trên không gian (SBT); công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

Ông Đinh Thái Hưng, đại diện Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết tại Việt Nam, công nghệ phần mềm (các mô hình dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt…) còn thiếu và yếu.

Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu thì công tác dự báo lũ, ngập lụt cho vùng hạ du các hệ thống sông là cực kỳ quan trọng có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Nằm trong lưu vực hệ thống sông Hồng, lưu vực sông Thao với diện tích 48.000km2 tính đến trạm Yên Bái chưa có một công trình nào đủ lớn để có thể kiểm soát được lũ trên lưu vực.

Theo số liệu thống kê, cường suất lũ lên lớn nhất trên sông Thao tại Bảo Hà ngày 18/8/2012 lên tới 60cm/giờ; tại Yên Bái là 40cm/giờ; ngày 26/7/2012 tại Phú Thọ là 23cm/giờ. Do đó, xây dựng một hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo và dự báo lũ sớm trên lưu vực sông Thao là rất quan trọng.

Ông Yusuke Muraki - đại diện ADB cho biết đến nay dự án đã áp dụng công nghệ SBT và ICT để quản lý thiệt hại do lũ gây ra đối với lưu vực sông của Việt Nam, trong đó dự án chọn lưu vực sông Hồng và sông Thao. Các chuyên gia chọn huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ làm vùng chạy thử trạm đo mưa lưu vực sông và truyền tin nhắn qua điện thoại di động để cảnh báo thiên tai. Đối tượng được nhận tin nhắn trực tiếp là Chủ tịch xã và Trưởng thôn.

Các hoạt động được thực hiện tại dự án bao gồm hiệu chỉnh số liệu mưa ở lưu vực sông đo qua vệ tinh; xây dựng hệ thống giao diện giữa số liệu mưa vệ tinh và hiệu chỉnh dùng dự báo lũ; xây dựng GSWeb cảnh báo lũ; xây dựng mô hình chạy thử cảnh báo lũ qua tin nhắn và điện thoại di động; tăng cường năng lực công nghệ và xây dựng hướng dẫn chính sách, giám sát và đánh giá phương thức quản lý viễn thám…

Cho đến nay, những bất thường của thời tiết đang là mối đe dọa thường xuyên đối với sản xuất và đời sống, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Trong những năm qua, bài học từ phục vụ phòng chống thiên tai bão, lũ cho thấy yêu cầu đối với dự báo khí tượng thủy văn ngày càng cao khi các tác động của thiên tai ngày càng nghiêm trọng do dân cư tăng lên và các hoạt động kinh tế xã hội ngày càng phát triển.

Khu vực Tây Bắc Việt Nam với địa hình là những dãy núi cao, độ dốc lớn, khi có mưa lượng nước tập trung vào các sông suối nhanh, thời gian ngắn, việc có được những thông tin nhanh nhất, cập nhật nhất và chính xác nhất về khả năng xuất hiện lũ trên sông suối là yếu tố hết sức quan trọng và cấp thiết cho việc triển khai các phương án ứng phó của các địa phương có khả năng chịu tác động phía hạ du, nhằm giảm nhẹ những thiệt hại do lũ, ngập lụt gây ra.

Để hiện thực hóa được điều này phụ thuộc rất lớn vào chất lượng, mức độ chi tiết, thời gian phân tích và xử lý thông tin, cũng như các biện pháp được áp dụng để kiểm soát chúng.

Các nước thuộc khu vực châu Á và Thái Bình Dương, biện pháp phi công trình đã và đang được sử dụng và được xem như là một phương pháp hiệu quả trong việc theo dõi và cảnh báo lũ, ngập lụt trên lưu vực sông, giúp giảm nhẹ những thiệt hại về người và tài sản gây ra bởi lũ, ngập lụt cho người dân sinh sống trên lưu vực.

Theo đánh giá của Cơ quan quản lý thiên tai châu Á thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới, Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều thiên tai nhất ở châu Á.

Với đặc điểm bờ biển trải dọc theo đất nước dài 3260km, hàng năm Việt Nam thường chịu nhiều loại thiên tai như bão, lũ, lũ quét, mưa lớn, hạn hán, sạt lở đất, dông, tố, lốc… trong đó bão lũ là những loại thiên tai gây nhiều thiệt hại hơn cả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục