UNICEF: Gần 1/2 các cô gái Nam Á kết hôn trước tuổi 18

Theo một báo cáo của UNICEF công bố ngày 11/9, có tới 46% các cô gái ở Nam Á kết hôn trước sinh nhật lần thứ 18 của họ, trong đó 18% kết hôn dưới 15 tuổi.
UNICEF: Gần 1/2 các cô gái Nam Á kết hôn trước tuổi 18 ảnh 1Lễ rước dâu trong một đám cưới trẻ em. (Nguồn: Hindu)

Theo một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 11/9, có tới 46% các cô gái ở Nam Á kết hôn trước sinh nhật lần thứ 18 của họ, trong đó 18% kết hôn dưới 15 tuổi.

Báo cáo cho biết tảo hôn phổ biến ở Nam Á mặc dù hầu hết các nước trong khu vực quy định độ tuổi kết hôn hợp pháp tối thiểu là 18.

Bangladesh là nước có tỷ lệ hôn nhân trẻ em cao nhất trong khu vực với 2/3 số các cô gái ở nước này kết hôn trước 18 tuổi, tiếp theo là Ấn Độ và Nepal.

Theo UNICEF, nguyên nhân bắt nguồn từ nghèo đói và chuẩn mực xã hội. Các bậc cha mẹ gả chồng cho con gái sớm bởi họ nhận thấy đây là ''việc phải làm'' và bởi vì sợ các biện pháp trừng phạt của xã hội cũng như đánh giá về mặt đạo đức nếu họ từ chối tuân theo tục lệ này.

Để khắc phục tình trạng trên, UNICEF cho biết điều tối quan trọng là phải tăng cường tiếp cận giáo dục cho trẻ em gái và hỗ trợ kinh tế để chống lại các động cơ tài chính đối với các cuộc hôn nhân trẻ em.

Tổ chức này cũng kêu gọi thiết lập mạng lưới hỗ trợ cho trẻ em gái, lấy dẫn chứng các câu lạc bộ dành cho phụ nữ và trẻ em tại một huyện miền núi xa xôi ở Nepal đã nâng cao nhận thức về hôn nhân trẻ em và thậm chí can thiệp trực tiếp với các bậc cha mẹ đã lên kế hoạch gả chồng cho con gái.

UNICEF cũng kêu gọi tăng cường làm thủ tục đăng ký khai sinh, chỉ ra rằng bằng chứng về tuổi có thể giúp chống lại hôn nhân trẻ em, chống lao động trẻ em và tuyển dụng quân sự dưới độ tuổi.

Báo cáo cũng cho biết mặc dù đăng ký khai sinh đã tăng lên trong khu vực, vẫn có tới hơn 60% trẻ em (khoảng 100 triệu) không đăng ký khai sinh.

Báo cáo này được phát hành để kỷ niệm 25 năm ngày Liên hợp quốc thông qua Công ước về Quyền trẻ em năm 1989. Báo cáo đã chỉ ra một số tiến bộ đạt được so với hai thập kỷ trước đây khi chính phủ các nước Nam Á thông qua các chính sách bảo vệ quyền trẻ em.

Báo cáo cho biết tỷ lệ trẻ em bị còi cọc trong khu vực đã giảm từ hơn 60% năm 1990 xuống còn 38% năm 2012 do chế độ dinh dưỡng được cải thiện.

Tuy nhiên, theo báo cáo, tỷ lệ trẻ em thấp còi phổ biến hơn ở trẻ em từ các gia đình nghèo, khu vực nông thôn và các dân tộc bị áp bức.

Báo cáo cũng cho biết hơn 2 triệu trẻ em Nam Á tử vong trước 5 tuổi và gần 38% trẻ em trong khu vực bị suy dinh dưỡng mãn tính./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục