Ủy ban soạn thảo hiến pháp Thái Lan bác bỏ "cơ chế đặc biệt"

Ngày 24/2, Chủ tịch CDC tuyên bố rằng trong dự thảo sửa đổi của hiến pháp mới sẽ không có bất kỳ điều khoản nào cho việc thành lập một cơ quan hay cơ chế đặc biệt.
Ủy ban soạn thảo hiến pháp Thái Lan bác bỏ "cơ chế đặc biệt" ảnh 1Chủ tịch Ủy ban soạn thảo hiến pháp Thái Lan (CDC) Meechai Ruchupan. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Ngày 24/2, Chủ tịch Ủy ban soạn thảo hiến pháp Thái Lan (CDC), ông Meechai Ruchupan tuyên bố rằng trong dự thảo sửa đổi của hiến pháp mới sẽ không có bất kỳ điều khoản nào cho việc thành lập một cơ quan hay cơ chế đặc biệt bởi tất cả các cơ chế cần thiết đều đã được thể hiện trong dự thảo này.

Ông Meechai đưa ra phát biểu trên sau cuộc gặp với Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam để thảo luận về đề xuất của Nội các đòi phải có "quyền ngoại lệ" trong giai đoạn chuyển giao hậu tổng tuyển cử.

Cuộc gặp này đã diễn ra khoảng 2 giờ tại văn phòng Hội đồng Nhà nước.

Trong cuộc gặp với ông Meechai, Phó Thủ tướng Wissanu cho rằng cần phải có "một sự linh hoạt" trong năm đầu tiên sau khi hiến pháp mới có hiệu lực, trong đó có việc bổ nhiệm các thượng nghị sỹ.

Trước đó cùng ngày, ông Wissanu đã cảnh báo rằng CDC sẽ phải lãnh trách nhiệm nếu việc họ từ chối sửa đổi dự thảo hiến pháp theo đề xuất của Nội các dẫn đến việc tái diễn bất ổn chính trị.

Ông cũng nói rằng đề xuất 16 điểm của Nội các nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng bất ổn chính trị giống như trước cuộc đảo chính hồi tháng 5/2014.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã khẳng định rằng ông muốn có một giai đoạn chuyển giao kéo dài 5 năm để đảm bảo các biện pháp cải cách mà Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) đề xuất được triển khai.

Giới quan sát nhận định nhiều khả năng NCPO sẽ duy trì kiểm soát đối với chính phủ thành lập sau bầu cử dù có thể cơ quan này sẽ được chuyển đổi thành một ủy ban đặc biệt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục