Vai trò của FaceTime trong cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ

Ông Erdogan đã gọi cho kênh CNN Thổ Nhĩ Kỳ bằng ứng dụng FaceTime trên điện thoại và yêu cầu biên tập viên Nevsin Mengu xoay điện thoại của cô ra trước camera để ông kêu gọi người dân xuống đường.
Vai trò của FaceTime trong cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan kêu gọi người dân bằng FaceTime.

Khi lính vũ trang hạng nặng đổ ra đường phố ở Ankara và Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đang ở Marmaris bên bờ biển Địa Trung Hải trong kỳ nghỉ sau tháng lễ Ramadan.

Đội quân vũ trang đã chiếm các địa điểm chiến lược tại hai thành phố, tiến vào trụ sở đài truyền hình quốc gia TRT và yêu cầu biên tập viên đọc tuyên bố đảo chính. Tuy nhiên quân đội nổi dậy lại bỏ qua hoàn toàn mạng xã hội và các kênh truyền hình tư nhân trong cơn vội vàng chiếm quyền kiểm soát đất nước.

Gareth Jenkins, một nhà nghiên cứu kiêm nhà văn quân đội tại Istanbul cho biết: “Cuộc đảo chính rõ ràng đã được lên kế hoạch cẩn thận, nhưng lại dùng chiến thuật từ những năm 1970.” Ông cho biết kế hoạch đảo chính lần này khá giống với đảo chính hồi năm 1973 tại Chile hay năm 1980 tại Ankara, và đã thất bại khi không tính đến các phương tiện truyền thông hiện đại.

Lực lượng nổi dậy đã đóng cửa tuyến đường đi qua Bosphorus tại Istanbul và lập các chốt chặn tại các ngã tư lớn cũng như sân bay. Máy bay trực thăng vờn qua lại trên tòa nhà trụ sở cảnh sát ở Ankara, trong khi một số máy bay phản lực gầm rú ở tầm thấp trên bầu trời.

Quân nổi dậy nghĩ rằng tổng thống Erdogan không còn sức mạnh nào nữa. Các thủ lĩnh của lực lượng đảo chính, những người gọi mình là “hội đồng Hòa bình” đã cảnh báo tất cả người dân phải ở trong nhà.

Một mình trong khu nghỉ dưỡng, tổng thống Erdogan đã ra một quyết định đầy sức ảnh hưởng giúp ông giữ được cương vị của mình và chỉ ra khiếm khuyết nghiêm trọng trong kế hoạch của quân nổi dậy.

Thay vì liên lạc với truyền thông nhà nước đã bị kiểm soát, ông Erdogan đã gọi cho một kênh truyền hình tư nhân bằng iPhone của mình. Ông cần cho 80 triệu người dân thấy mình vẫn đang tự do và cần phải chơi một canh bạc lớn.

Vai trò của FaceTime trong cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 2

 ​Sinan Ulgen, thành viên viện chính sách Carnegie Europe cho biết việc không chặn đứng các mạng lưới truyền thông, mạng xã hội và kênh truyền hình tư nhân đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành công của cuộc đảo chính.

Ông Erdogan đã gọi cho kênh CNN Thổ Nhĩ Kỳ bằng ứng dụng FaceTime trên điện thoại và yêu cầu biên tập viên Nevsin Mengu xoay điện thoại của cô ra trước camera để ông kêu gọi những người ủng hộ mình xuống đường. Ông cược rằng quân đảo chính sẽ không tàn sát dân thường.

“Hãy cùng tập hợp với tư cách công dân một quốc gia tại các quảng trường. Tôi tin chúng ta sẽ sớm giải quyết được chuyện này. Tôi kêu gọi người dân xuống đường và chúng ta sẽ cho họ câu trả lời cần thiết,” ông Erdogan phát biểu. Tại thời điểm đó, những chiếc xe tăng vẫn đang tuần tra khắp thành phố.

Chưa đầy 20 phút sau, thủ tưởng Binali Yildrim đã đăng dòng tweet giận dữ, không công nhận đảo chính và nhấn mạnh chính phủ vẫn đang nắm toàn quyền kiểm soát.

Trên bầu trời, những chiếc máy bay F-16 vẫn đang quần đảo. Lý thuyết quân sự nói rằng máy bay phản lực có thể khiến những người dưới mặt đất hoảng sợ chỉ bằng tiếng ồn của chúng.

Vai trò của FaceTime trong cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 3Máy bay F-16 quần đảo trên bầu trời.

Nhưng trước những lời kêu gọi của chính phủ trên mạng xã hội, cũng như sự xuất hiện đặc biệt của ông Erdogan trên truyền hình, người dân bắt đầu đổ ra các tuyến phố. Thành viên đảng AK của ông Erdogan cũng hòa vào đám đông và chỉ đạo phản kháng.

Ulgen cho biết, quân nổi dậy không có được sự ủng hộ hoàn toàn của quân đội nên đã thất bại. "Kế hoạch cũng không hiệu quả vì họ đã thất bại ngay từ đầu khi không chiếm đóng bất cứ căn cứ quân sự nào ở Thổ Nhĩ Kỳ hay bắt bất cứ lãnh đạo (chính trị) nào."

Trong suốt chiều dài lịch sử, những cuộc cách mạng thành công đều tận dụng các phương pháp truyền thông tiên tiến nhất để qua mặt kẻ thù.

Năm 1517, Martin Luther đã sử dụng công nghệ in ấn mới được sáng chế để truyền báo giáo lý của mình và lên án Giáo hội La Mã.

Năm 1979, Ayatollah Ruhollah Khomeini đã ghi âm thông điệp cách mạng vào băng cassette, sao ra làm nhiều bản rồi phân phát khắp Iran để lật đổ chế độ độc tài Shah do Mỹ chống lưng.

Một thế hệ sau, cuộc "Cách mạng xanh" của Iran phản đối kết quả bầu cử tổng thống năm 2013 bị cho là gian lận đã được khuếch đại nhờ những video quay trên điện thoại di động sau đó được đăng lên YouTube, Facebook và Twitter.

Thứ Sáu vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ, những người ủng hộ ông Erdogan đã đưa được thông tin tới Thổ Nhĩ Kỳ cũng như truyền thông quốc tế rằng tổng thống vẫn an toàn và chưa bị bắt giữ dù quân nổi dậy đã chiếm đài truyền hình TRT.

Người tiền nhiệm của ông Erdogan là Abdullah Gul cũng dùng FaceTime để thể hiện sự giận dữ với quân đảo chính trên kênh CNN Thổ Nhĩ Kỳ, và cựu Thủ tướng Ahmet Davutoglu cũng nói qua điện thoại với hãng truyền hình Al Jazeera rằng cuộc đảo chính là một sự thất bại.

Sau khi xuất hiện trên truyền hình, ông Erdogan đã lên chuyên cơ Gulfstream IV của chính phủ và bay về Istanbul.

Vai trò của FaceTime trong cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 4Người dân xuống đường chặn xe hạng nặng của quân đội.

Theo Flight Radar 24, máy bay của ông đã lượn vòng ở phía Nam sân bay Ataturk để chờ thời điểm an toàn cho hạ cánh.

Một số xe tăng đã bị thường dân chặn lại trên các con đường dẫn đến sân bay. Việc tổng thống Erdogan trở về Istanbul càng đẩy nhanh sự thất bại của cuộc đảo chính.

Sự kiện tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản ánh cuộc đảo chính năm 1981 nhắm vào nền dân chủ non trẻ của Tây Ban Nha. Quân nổi dậy đã tràn vào quốc hội nhưng không giành được sự ủng hộ về mặt quân sự sau khi Vua Juan Carlos, trong bộ quân phục lên truyền hình vận động cả nước duy trì hiến pháp.

Các lãnh đạo đảo chính của Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào những người mới vào quân đội, không được biết sự thật về nhiệm vụ của mình hay không dự kiến là sẽ phải đối mặt với sự kháng cự của dân chúng. Họ nhanh chóng mất tinh thần hoặc đầu hàng.

Tất cả ba lãnh đạo đảng đối lập đều nhanh chóng lên án cuộc đảo chính và mạng xã hội đã giúp khuếch đại những lời kêu gọi chống đảo chính.

Vai trò của FaceTime trong cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 5Người dân và cảnh sát ngăn cản quân đội và yêu cầu buông súng.

Quân nổi dậy đã cố tìm cách bắt kênh CNN Thổ Nhĩ Kỳ phải im lặng. Một chiếc trực thăng chở quân lính đã hạ cánh xuống đài truyền hình như không thể ngăn phát sóng.

Họ buộc phải sơ tán tạm thời của phòng thu. Khi CNN Thổ Nhĩ Kỳ phát sóng trở lại, người dẫn chương trình Nevsin Mengu và tổng giám đốc Erdogan Aktas đã mô tả cảm xúc của những người lính trẻ tiến vào đài phát sóng của họ.

Mengu cho biết: "Những người lính trẻ chỉ có nỗi sợ hãi trong mắt họ và không có dấu hiệu cho thấy sự tận tụy hay quyết tâm. Họ yêu cầu chúng tôi ngắt sóng, nhưng chúng tôi bảo không làm thế được. Họ không biết làm thế nào vì thế cả trường quay trống trải của chúng tôi đã lên sóng truyền hình trực tiếp tới khi chúng tôi giành lại quyền kiểm soát."

Các lãnh đạo tôn giáo trung thành với tổng thống cũng lần đầu sử dụng mạng lưới các nhà thờ Hồi giáo với hệ thống loa phát thanh để kêu gọi người Thổ Nhĩ Kỳ "thánh chiến."

Howard Eissenstat, phó giáo sư lịch sử Trung Đông tại Đại học St Lawrence, New York cho biết: "Sức mạnh của ông ấy [Erdogan] đã gia tăng đáng kể sau sự kiện này. Hành động đó đã vận động được một lực lượng căn bản đang dần mất niềm tin với ông. Nó đã cho ông ít nhất một khoảnh khắc để đoàn kết mọi tầng lớp trong xã hội chống lại một mối nguy hiển hiện"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục