Vai trò của khoa học xã hội thúc đẩy phát triển bền vững

Khoa học xã hội góp phần nghiên cứu và thực hiện vai trò tham mưu cung cấp những luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối.

Ngày 28/10, tại tỉnh Khammouane, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào và Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia đã phối hợp tổ chức hội thảo “Vai trò của khoa học xã hội thúc đẩy phát triển bền vững ở Lào, Campuchia và Việt Nam” lần thứ hai.

Phát biểu tại hội thảo, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá cao kết quả hợp tác giữa ba Viện trong thời gian qua, có những bước tiến vững chắc theo lộ trình đã được lãnh đạo cấp cao ba Viện thống nhất, từng bước khẳng định vị thế của ngành khoa học xã hội trong phát triển bền vững ở mỗi quốc gia và trong khu vực.

Đây là mô hình hợp tác theo hướng tăng cường phối hợp, chính sách ở tầm vĩ mô, nhằm phát triển bền vững trong tiểu vùng, đồng thời sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia và đối tác quan tâm, đặc biệt là các quốc gia và đối tác trong Tiểu vùng Mekong, khu vực ASEAN và vùng châu Á.

Hội thảo đã tiến hành bốn phiên họp với 14 bài tham luận của các nhà khoa học ba nước, tập trung thảo luận vai trò của khoa học xã hội đối với sự phát triển bền vững; tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của kinh tế xã hội gắn liền với sự bảo vệ môi trường và vai trò của văn hóa đối với sự phát phát triển bền vững ở ba nước.

Các nhà khoa học khẳng định vai trò to lớn của khoa học xã hội đối với sự phát triển mang tính bền vững của đất nước, không những giúp phổ biến kiến thức đến toàn xã hội mà còn góp phần nghiên cứu và thực hiện vai trò tham mưu cung cấp những luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối chủ trương xây dựng đất nước bền vững.

Các tham luận đều nhấn mạnh, muốn phát triển kinh tế nhanh phải đảm bảo tính bền vững; tăng trưởng về số lượng phải gắn liền với nâng cao chất lượng, coi trọng bảo vệ môi trường, phải gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội, tạo nhiều việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, khuyến khích làm giàu hợp pháp và thúc đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Lào-Campuchia và Việt Nam có mối quan hệ lịch sử lâu dài và có nét tương đồng về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Vì vậy các đại biểu cho rằng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững các bên cần phối hợp và xây dựng chính sách hợp tác đa phương, song phương với mục tiêu phát triển kinh tế tập trung vào tăng trưởng xanh, tích cực chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phối hợp ngăn ngừa các tác động xấu của biến đổi khí hậu, nguồn nước và môi trường, coi trọng vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững nhất là việc giao lưu văn hóa làm cho nhân dân ba nước ngày càng hiểu biết gần gũi với nhau hơn trong ngôi nhà chung của thế khu vực và thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục