Vai trò “hạt nhân” của châu Á-TBD với tăng trưởng bền vững toàn cầu

Các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục hoạt động khá tốt so với phần còn lại của thế giới, cho dù những yếu kém về cơ cấu vẫn kiềm chế triển vọng tăng trưởng.
Vai trò “hạt nhân” của châu Á-TBD với tăng trưởng bền vững toàn cầu ảnh 1Một siêu thị ở Ấn Độ. (Nguồn: livemint.com)

Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế và Xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) công bố báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế, xã hội của khu vực, trong đó nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn là chìa khóa để đảm bảo sự thịnh vượng bền vững cho tất cả quốc gia.

Các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục hoạt động khá tốt so với phần còn lại của thế giới, cho dù những yếu kém về cơ cấu vẫn kiềm chế triển vọng tăng trưởng.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các nước đang phát triển trong khu vực sẽ tăng nhẹ từ 5,8% năm 2014, lên 5,9% năm 2015, và dự kiến sẽ không có thay đổi nhiều ​​trong năm 2016.

Lạm phát dự kiến tiếp tục sụt giảm và ở mức thấp, chủ yếu do giá dầu thô thế giới thấp hơn với việc nhiều nền kinh tế của khu vực đã cắt giảm lãi suất. Theo ESCAP, giá dầu thế giới sẽ biến động trong khoảng 60-70 USD/thùng trong năm 2015.

“Hạt nhân” châu Á-Thái Bình Dương

Thư ký điều hành ESCAP kiêm Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Shamshad Akhtar đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thúc đẩy chất lượng tăng trưởng và sự thịnh vượng chung trong khu vực, kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trong khu vực lồng ghép tăng trưởng toàn diện qua việc áp dụng một loạt biện pháp phối hợp nhằm đạt được kết quả xã hội và môi trường tốt hơn, tăng cường mảng phúc lợi công.

ESCAP hướng dẫn các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương áp dụng một tập hợp với 15 chỉ số của các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường phát triển nhằm đánh giá toàn diện hơn về mức độ của tăng trưởng bao quát, khuyến nghị các quốc gia cần phải có quan điểm chính sách kinh tế rõ ràng và chủ động.

Các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng cần phải đạt được sự tiến bộ trong việc đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, bằng cách mở rộng tiếp cận đối với giáo dục có chất lượng và chăm sóc sức khỏe đầy đủ.

Kết quả cuộc khảo sát cho thấy Trung Quốc sẽ giảm tăng trưởng từ mức 7,4% trong năm 2014 xuống còn 7% năm 2015, trong khi được bù đắp một phần nhờ tốc độ tăng trưởng ở Ấn Độ lên đến 8,1% năm nay, tăng so với 7,4% năm ngoái. Indonesia cũng được dự báo sẽ tăng trưởng từ 5% năm 2014 lên 5,6% năm 2015.

Tuy vậy, tại Ấn Độ và Indonesia, triển vọng tăng trưởng đều phụ thuộc nhiều vào những cải cách vững chắc và bền vững ở trong nước.

ESCAP ủng hộ các quốc gia thúc đẩy cơ hội bình đẳng, tạo việc làm thông qua sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như công nghiệp hóa nông thôn, với việc khu vực tư nhân tham gia giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện hơn.

Ngoài ra, ESCAP cũng nhấn mạnh đến các vấn đề chính sách quan trọng cho các tiểu vùng, bao gồm tình trạng phụ thuộc quá mức vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và các khoản kiều hối của người lao động để thúc đẩy tăng trưởng, cũng như các thách thức liên quan đến việc làm và biến đổi khí hậu.

Sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô và tình trạng thiếu điện năng trầm trọng là mối quan tâm chính tại khu vực phía Nam và Tây Nam Á, cùng với những yếu kém trong cơ sở hạ tầng và thiếu hụt lao động có tay nghề cao ở Đông Nam Á.

Trong khi đó, theo Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), việc rút vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi đạt mức kỷ lục 484 tỷ USD trong năm 2014, tăng 30% so với năm 2013.

Tuy vậy, Liên hợp quốc cho rằng phần lớn sự rút vốn này là do những nhà đầu tư châu Á, nhất là tại Trung Quốc, chuyển hướng sang thị trường nước ngoài.

Năm 2014, tỷ lệ đầu tư ra nước ngoài từ các nước đang phát triển châu Á đạt 440 tỷ USD, vượt qua Mỹ và châu Âu để trở thành khu vực đầu tư trực tiếp ra nước ngoài lớn nhất thế giới.

Trung Quốc và Hong Kong chiếm 266 tỷ USD đầu tư trực tiếp ra nước ngoài năm 2014, qua đó đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đứng thứ 2 (sau Mỹ) về đầu tư FDI.

Giám đốc đầu tư James Zhan của UNCTAD cho rằng tầm quan trọng của việc Trung Quốc trở thành nguồn đầu tư FDI chủ yếu trên thế giới sẽ ngày càng gia tăng trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng (AIIB) và dự án "Con đường Tơ lụa" mới của Trung Quốc đi qua nhiều nước châu Á và châu Âu chắc chắn sẽ thúc đẩy tăng trưởng đầu tư ra nước ngoài.

Theo ông James Zhan, những dự án trên cuối cùng cũng sẽ tác động chủ yếu lên các công ty nên việc đầu tư FDI ra nước ngoài của các doanh nghiệp châu Á sẽ gia tăng.

Triển vọng kinh tế thế giới 2015

Báo cáo về tình hình và triển vọng kinh tế thế giới (WESP) của Liên hợp quốc đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay, từ mức 3,1% xuống 2,8%.

Theo báo cáo, việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu phản ánh tình hình kinh tế đang suy yếu tại Mỹ Latinh, trong bối cảnh khu vực này đang phải đối phó với giá hàng hóa thấp hơn.

Báo cáo cũng lưu ý về các điều chỉnh chính sách tiền tệ sắp tới tại Mỹ, nơi Cục Dự trữ liên bang (Fed) dự kiến có thể bắt đầu tăng lãi suất vào nửa cuối năm nay, cũng như tác động của cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đối với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và nguy cơ xung đột tại Yemen, Syria và Ukraine.

Trên thế giới, sự sụt giảm của giá dầu mỏ và những hàng hóa khác đã ảnh hưởng tới các nền kinh tế xuất khẩu “vàng đen,” trong khi đem lại lợi ích cho các nước phải phụ thuộc lớn vào nhập khẩu năng lượng. Báo cáo cho rằng trong thời gian tới, giá dầu mỏ sẽ phục hồi chậm.

Theo báo cáo trên, ba nền kinh tế lớn là Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng trưởng nhẹ hơn trong năm 2015. Nhịp độ tăng trưởng GDP của Mỹ dự kiến đạt 2,8% năm nay và 2,7% năm 2016; mức tăng của Nhật Bản là 1,2% và 1%, trong khi của EU là 1,9% và 2,1%. Đối với nhóm các nền kinh tế đang phát triển, nhịp độ tăng trưởng kinh tế có thể đạt 4,4%.

Trước đó, dự báo đưa ra ngày 19/5 vừa qua của Fed ở thành phố Atlanta, bang Georgia (Mỹ), cho biết GDP của nền kinh tế số một thế giới trong quý 2 có thể đạt nhịp độ tăng trưởng 0,7%, khá hơn mức tăng 0,2% trong quý 1.

Một trong những lý do khiến GDP của Mỹ tăng chậm lại một cách đáng thất vọng là do sản lượng công nghiệp liên tục giảm. Đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ trong tháng Tư vừa qua cũng giảm xuống mức -2,3%.

Ngày 20/5, Chính phủ Nhật Bản cũng thông báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý 1 đạt 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng liên tiếp trong hai quý qua, nhờ hàng hóa xuất khẩu và đầu tư vào nhà ở tăng. GDP của Nhật Bản trong quý 1 tăng 0,6% so với quý trước đó.

Còn nền kinh tế Eurozone đang trên đường phục hồi bền vững là nhận định của phần lớn trong số 60 chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters. Tuy vậy, giới chuyên gia vẫn thận trọng do lo ngại về nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ cũng như đà tăng của giá dầu thế giới thời gian gần đây.

Dự đoán, GDP của Eurozone tăng trưởng 0,4-0,5%/quý trong thời gian từ nay cho đến quý 3, đạt nhịp độ tăng trưởng/năm ở mức 1,4% năm 2015 và 1,8% năm 2016.

Về triển vọng của một số nền kinh tế khác, báo cáo trên cũng cho rằng kinh tế Nga dự kiến có thể sụt giảm 3% năm 2015, trước khi tăng trưởng trở lại 0,1% năm 2016. Đáng chú ý kinh tế của Ấn Độ trong năm nay và năm 2016 có thể đạt mức tăng 7,6% và 7,7%, vượt qua Trung Quốc với mức tăng tương ứng 7% và 6,8%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục