Vẫn còn nhiều bất cập kể từ khi Việt Nam là thành viên WTO

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi các cam kết WTO và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung từ năm 2007 đến nay cho thấy một số hạn chế, bất cập cần quan tâm.
Vẫn còn nhiều bất cập kể từ khi Việt Nam là thành viên WTO ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, sáng 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc gia nhập WTO đã tác động toàn diện đến mọi mặt kinh tế-xã hội của đất nước và kết quả đạt được là đáng ghi nhận.

Sau khi gia nhập WTO, các quy định pháp luật đã được tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm thực hiện các cam kết WTO và các cam kết quốc tế khác.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá một cách tổng quát, có thể khẳng định Việt Nam đã nghiêm túc trong việc thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO.

Sau khi gia nhập WTO năm 2007, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới và khu vực cũng như những điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô trong nước, tăng trưởng kinh tế có nhiều biến động tại các thời điểm khác nhau. Năm 2007, việc trở thành thành viên WTO đã giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (7,13%).

Hội nhập kinh tế mang lại cơ hội tăng thu nhập cho người dân, người lao động. GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 43,4 triệu đồng, gấp 2,93 lần so với năm 2007.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực môi trường cũng chịu một số tác động tiêu cực, đó là các hoạt động của các ngành kinh doanh, dịch vụ về khoáng sản, dầu mỏ được đẩy mạnh sau khi trở thành thành viên WTO góp phần làm suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên do khai thác và sử dụng chưa hợp lý.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi các cam kết WTO và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung từ năm 2007 đến nay cho thấy một số hạn chế, bất cập cần quan tâm. Thể chế pháp luật kinh tế ngày càng hoàn thiện nhưng chất lượng và hiệu lực thực thi chưa cao. Chính sách kinh tế chưa đủ mạnh để tận dụng cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, nhất là chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Cải cách hành chính chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển kinh tế. Chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của nền kinh tế còn yếu và chậm được cải thiện. Năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và sản phẩm còn hạn chế.

Tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân những hạn chế sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao báo cáo giám sát, nhưng cho rằng nhiều nội dung cần phân tích sâu hơn, đặc biệt là những nguyên nhân của hạn chế, bài học rút ra để từ đó có giải pháp cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Có ý kiến tại buổi thảo luận cho rằng nhiều đánh giá về kết quả đạt được là hơi cao so với thực tế, nhất là việc hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật. Ngoài ra, yếu tố con người chưa được đánh giá đúng mức, vì thể chế có hoàn thiện mà bộ máy, con người không đúng tầm thì khó đạt kết quả như mong muốn.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị phân tích kết quả đạt được đã thực sự tương xứng với mục tiêu, kỳ vọng khi gia nhập hay chưa. Cùng với đó cần có so sánh với các nước trong khu vực để thấy mức độ mà Việt Nam đạt được so với các nước để thấy được bước đi thành công cũng như nhìn nhận rõ thách thức để vượt qua.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị làm rõ thêm về sự tác động của việc gia nhập WTO và hội nhập quốc tế liên quan đến vấn đề nông nghiệp; về xóa đói giảm nghèo, giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới. Ông Hiền đề nghị báo cáo cần làm rõ hơn về những kết quả đã đạt được, những tác động tích cực, những áp lực, khó khăn bất cập khi hội nhập quốc tế, trong khi nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu là nông nghiệp. Đặc biệt là nguồn nhân lực trong nông nghiệp có tác động như thế nào. Đây là vấn đề cần quan tâm, bởi lao động nông nghiệp đang chiếm tỷ lệ lớn trong lao động chung của cả nước, trong khi phải chịu áp lực khi đa số lao động nông nghiệp chưa được đào tạo cơ bản, đào tạo nghề cũng đang rất khó khăn.

Cho rằng báo cáo đã cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng về tình hình kinh tế-xã hội cho Quốc hội, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, báo cáo cần có sự đánh giá sâu sắc hơn để tập hợp được tất cả những thông tin tổng quan nhất, đồng thời cũng để nhận thấy được những tồn tại, hạn chế, yếu kém, từ đó có thể khắc phục, vượt qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng báo cáo vẫn chưa trả lời được câu hỏi, sau 8 năm gia nhập WTO nền kinh tế Việt Nam và sức phát triển của Việt Nam có tiến bộ lên không, có co bớt khoảng cách phát triển với các nước không? Nhấn mạnh, đây là cơ hội để rút kinh nghiệm cho TPP, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện để báo cáo đi vào chiều sâu hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục