Vận động viên Việt Nam dự Olympic 2016 mong có chế độ đãi ngộ tốt hơn

Mong muốn của các vận động viên và định hướng cho ngành thể thao hướng tới Olympic Nhật Bản 2020 là nội dung chính trong buổi lễ gặp mặt, tổng kết Đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic Rio 2016 tối 24/8.

Mong muốn của các vận động viên và định hướng cho ngành thể thao hướng tới Olympic Nhật Bản 2020 là nội dung chính trong buổi lễ gặp mặt, tổng kết Đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic Rio 2016 tối 24/8.

Đa số các ý kiến mong muốn những chế độ đãi ngộ tốt hơn cho vận động viên. Trong đó, được tạo điều kiện thi đấu, tập huấn nước ngoài với các đối thủ mạnh; được tăng tiền chấm công; được phục vụ dinh dưỡng tốt hơn là ba mối quan tâm hàng đầu của các vận động viên. Đây là mong mỏi chung được Vũ Thị Trang (cầu lông), huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung (bắn súng), vận động viên Nguyễn Thị Huyền (điền kinh) chia sẻ.

Huấn luyện viên Nguyễn Thanh Thúy cũng thay mặt đoàn chia sẻ về những thiếu thốn cơ sở vật chất mà các vận động viên đang trải qua. Trong trường hợp của môn thể dục dụng cụ, sự thiếu thốn trang bị ở cấp địa phương khiến đội tuyển thường xuyên phải tập trung ở Trung tâm Nhổn, phải sống xa quê, xa gia đình. Đó cũng là tình trạng chung của một số đội tuyển như bắn súng, cử tạ...

Cũng trong buổi lễ, huấn luyện viên Huỳnh Hữu Chí của đội tuyển cử tạ đã khẳng định việc cử tạ thi đấu thất bại ở Olympic có lỗi lớn trong việc nhận định phong độ và đánh giá điểm rơi của đội tuyển.

Bên lề buổi lễ, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cũng đã có những chia sẻ về chuyện "quan chức ngành thể thao đi Olympic". Trước đó, nhiều cơ quan báo chí khác đã tiết lộ chuyện Giám đốc Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao quốc gia Nhổn Nguyễn Mạnh Hùng và một số quan chức khác "đi Olympic chỉ để góp vui".

Trao đổi về vấn đề này, ông Phấn nói: "Ở đoàn thể thao, tất cả đều ưu tiên cho vận động viên, huấn luyện viên. Như Vũ Thị Trang, Nguyễn Tiến Minh, Văn Ngọc Tú thi đấu không có huấn luyện viên là hạn chế của chúng ta. Qua việc vừa rồi báo chí nêu, chúng tôi sẽ hết sức rút kinh nghiệm việc này. Về nguyên tắc, vận động viên phải có huấn luyện viên, không thể có chuyện khác.”

Ông Phấn cũng từ chối trao đổi thêm về vấn đề của ông Hùng và một số vấn đề khác. Những định hướng dài hạn của thể thao Việt Nam hướng tới Nhật Bản 2020 đã được quyết định về cơ bản và sớm được công bố trong thời gian tới./.

Vận động viên Việt Nam dự Olympic 2016 mong có chế độ đãi ngộ tốt hơn ảnh 1Lễ gặp mặt, tổng kết Đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic Rio 2016. (Nguồn: TTXVN)
(VNEWS)