Kết thúc chuỗi giảm giá

Vàng kết thúc chuỗi giảm giá kéo dài ba phiên liền

Giá vàng tăng tại châu Á sau ba phiên liên tiếp đi xuống, trong bối cảnh mối lo về nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp có phần lắng dịu.
Tại thị trường Singapore phiên 10/5, giá vàng tăng sau ba phiên liên tiếp đi xuống, trong bối cảnh mối lo về nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp có phần lắng dịu, sau khi các nước Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đồng ý cấp tín dụng cho Athens.

Tuy nhiên, biến động chính trị tại một số nước châu Âu và "thể trạng" yếu ớt của hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha đã hạn chế tâm trạng hưng phấn của nhà đầu tư.

Chiều 10/5, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.593,41 USD/ounce, rời khỏi mức đáy của bốn tháng qua (1.579,3 USD/ounce) lập trong phiên 9/5.

Vàng - vốn được coi là một "nơi trú ẩn an toàn," trong vài phiên trở lại đây đã trở thành nạn nhân của làn sóng bán tháo các tài sản rủi ro, trong bối cảnh chính trường Hy Lạp đầy biến động. Eurozone đã tung cho Athens phao cứu sinh khi đồng ý cấp 5,2 tỷ euro (6,72 tỷ USD) tín dụng từ quỹ cứu trợ của khối, bất chấp ý kiến phản đối của một số nước thành viên sau khi Hy Lạp có kết quả bầu cử.

Tâm lý lo ngại về "sức khỏe" của hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha cũng đè nặng lên nhà đầu tư. Hiện Chính phủ Tây Ban Nha đã tiếp quản Bankia, ngân hàng lớn thứ tư nước này, nhằm trấn an thị trường.

Yuichi Ikemizu, phụ trách mảng giao dịch hàng hóa tại chi nhánh của ngân hàng Standard Bank ở Nhật Bản, nhận định hiện không có nhiều lý do để bán vàng hay các kim loại quý khác. Hoạt động mua vàng vật chất nổi lên (sau khi giá vàng nằm dưới mốc 1.600 USD/ounce) sẽ giúp vàng trụ ở mức trên 1.565 USD/ounce - mức "đáy" tính từ đầu năm tới nay được lập hồi đầu tháng 1/2012.

Trong khi đó, đóng cửa phiên 9/5 tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX), giá vàng giao tháng 6/2012 giảm 10,3 USD xuống 1.594,2 USD/ounce. Theo thống kê sơ bộ của hãng tin Anh Reuters, khối lượng giao dịch trong phiên này chỉ tương đương 40% mức trung bình của 30 ngày qua. Tính từ đầu tuần tới nay, giá vàng tại COMEX giảm hơn 3% do các mối lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu.

Việc nhà đầu tư quay lưng với các tài sản rủi ro đã đẩy giá trái phiếu kho bạc của Chính phủ Mỹ và Đức tăng, trong khi làn sóng bán tháo trái phiếu của Tây Ban Nha đã thổi lãi suất trái phiếu của chính phủ nước này lên trên 6%.

Theo giới phân tích, những thống kê về hoạt động thương mại của Trung Quốc (dự kiến được công bố vào cuối ngày hôm nay), có thể sẽ gây sức ép với giá các hàng hóa./.

Hương Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục