VBF: Đối tác phát triển đánh giá cao tiến trình hội nhập của Việt Nam

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015, nhìn chung các đối tác phát triển đã đánh giá cao những thành công của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.
VBF: Đối tác phát triển đánh giá cao tiến trình hội nhập của Việt Nam ảnh 1Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015, ngày 9/6, tại Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 (VBF 2015) diễn ra tại Hà Nội, ngày 9/6, với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp để hội nhập quốc tế,” nhìn chung các đối tác phát triển đã đánh giá cao những thành công của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Dẫn đầu ASEAN xuất khẩu vào Mỹ

Năm 2014, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam-Mỹ đạt 36,3 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ trước đó. Đưa ra thông tin này, bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, lạc quan kỳ vọng, “con số này có thể tăng lên 72 tỷ USD nếu xu thế trên vẫn tiếp tục được duy trì và có thể cao hơn với Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương-TPP”.

Bà Sherry Boger cho biết, năm 2014, Việt Nam trở thành nhà cung cấp cho thị trường Mỹ đứng đầu khu vực Đông Nam Á (ASEAN), trên cả Malaysia và Thái Lan. Cụ thể, Việt Nam chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước ASEAN sang Mỹ và có thể đạt 30% vào năm 2020.

Đại diện cho đối tác phát triển gắn bó với Việt Nam từ rất sớm, ông Shinmon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đưa ra quan điểm ủng hộ, chính sách điều hành của Chính phủ về việc duy trì ổn định kinh tế với mức tăng trưởng cao 6%,  theo đó giá cả và cán cân xuất nhập khẩu đã được bình ổn trong suốt 4-5 năm qua.

“Gần đây, chúng tôi bắt đầu quan tâm hơn đến những động thái thúc đẩy chính sách cải cách doanh nghiệp nhà nước và ổn định tài chính của Việt Nam,” ông Tokuyama cho biết.

Cũng như các đối tác phát triển khác, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) với nghiên cứu Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) chỉ ra rằng, các thành viên của họ đã có cái nhìn lạc quan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch EuroCham nhấn mạnh, “EuroCham ghi nhận những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam, đặc biệt là các chính sách điều hành của Chính phủ, như việc thông qua ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.”

Xuất khẩu đạt 307 tỷ USD năm 2025 nhờ TPP

Theo đánh giá từ các đối tác phát triển, với các hoạt động đổi mới và cải cách, Việt Nam là một trong những quốc gia có thể tận dụng được nhiều lợi thế từ hội nhập.

Về cơ bản, TPP có tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, tăng trưởng GDP và tạo công ăn việc làm.

Do đó, bà Sherry Boger đã tin tưởng và đồng tình với dự báo nhờ TPP, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 28,4%. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến của Việt Nam năm 2025 khi không có TPP là 239 tỷ USD, song con số này có thể tăng lên 307 tỷ USD nếu có TPP.

Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam giai đoạn 1990-2007 là 7,4%, dự báo giai đoạn 2008-2018 là 5,6%. Nhưng với TPP, GDP của Việt Nam năm 2015 có thể đạt cao hơn 10,5%.

Điểm đáng chú ý, xu thế tăng trưởng nền kinh tế tại các thị trường mới nổi khu vực châu Á (Ấn Độ, ASEAN, Trung Quốc) với tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Cụ thể, tầng lớp trung lưu tại khu vực châu Á có khoảng 253 triệu người (năm 2015) và có thể đạt tới 3,2 tỷ người. (Theo Viện nghiên cứu Brookings và Tổ chức Hợp tác & Phát triền Kinh tế-OEDC)

Bà Sherry Boger nhấn mạnh, “nhận thức được xu thế đó và đấy cũng là một trong những lý do mà Mỹ cũng như các tập đoàn toàn cầu khác đã và đang thành lập cơ sở sản xuất ở Việt Nam, nhằm mục đích phục vụ thị trường Việt Nam đồng thời là ASEAN và châu Á-Thái Bình Dương cùng các thị trường khác trên toàn cầu.”

Bên cạnh đó, ông Tomaso Andreatta cũng chỉ ra, nếu được triển khai thực thi một cách đúng đắn, Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam, Cộng đồng kinh tế ASEAN-AEC tới đây, không chỉ thúc đẩy thương mại phát triển mà còn giúp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng của châu Âu.

“Ngoài ra, việc tiếp tục mở cửa thị trường để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể giúp tăng cường chuyển giao kỹ năng, công nghệ, yếu tố này sẽ giúp Việt Nam tránh khỏi ‘bẫy thu nhập trung bình’,” ông Andreatta chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục