VCB: "Đổ hàng" kỹ thuật, tạo đối trọng "rổ" VN-Index

Việc VCB niêm yết thêm1,78 tỷ cổ phiếu được các chuyên gia đánh giá là mang tính kỹ thuật và không ảnh hưởng nhiều đến thị trường.
Hôm nay (14/5), Ngân hàng Thương Mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) niêm yết trên sàn Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, chính thức niêm yết bổ sung 1.787 triệu cổ phiếu thuộc sở hữu phần vốn Nhà nước.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, sau sự kiện này mã VCB sẽ trở thành cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất tới chỉ số VN-Index.

Trước đó, khối lượng cổ phiếu VCB niêm yết trên HoSE khoảng 530 triệu cổ phiếu, trong đó 347 triệu cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 5 năm do cổ đông chiến lược Mizuho Bank nắm giữ, vì vậy số cổ phiếu VCB được tự do chuyển nhượng chỉ gần 183 triệu cổ phiếu. Việc niêm yết bổ sung cổ phiếu VCB lần này còn mang đến một nguồn cung rất lớn cho thị trường.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, một nhà đầu tư cá nhân, VCB là mã cổ phiếu thuộc về các tổ chức, nên mặc dù số lượng cổ phiếu VCB niêm yết được nâng lên mức 2,3 tỷ đơn vị và có mức vốn hóa dẫn đầu sàn HoSE, nhưng sự tác động của nó đến các nhà tâm lý các nhà đầu tư nhỏ lẻ là không nhiều.

“Minh chứng, mặc dù trong phiên đầu tiên niêm yết bổ sung, cổ phiếu VCB đã có thời điểm tăng trần, nhưng thực tế  mã cổ phiếu này đã không tạo ra được sự ảnh hưởng tích cực và không thể trợ lực cho tâm lý thị trường thoát khỏi xu thế rơi tự do,” ông Tuấn Anh nói.

Quan sát diễn biến trên HoSE, từ phiên 9/5 đến nay thị trường chứng khoán đang ở vào giai đoạn điều chỉnh, đặc biệt tại phiên (14/5) chỉ số VN-Index đã rơi rất sâu tới hơn 10 điểm, trong đó 28/30 mã cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất thuộc rổ tính điểm VN30 đã phải đối mặt với áp lực giảm giá, song VCB vẫn tiếp tục lội ngược dòng nước tăng giá trong 4 phiên liên tiếp.

Ông Nguyễn Tuấn, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Ngân hàng Thịnh Vượng nhận định, việc VCB tăng giá mạnh và đi ngược với xu hướng thị trường mang tính kỹ thuật nhiều hơn. Trên thực tế, 1.787 triệu cổ phiếu trên thuộc sở hữu vốn Nhà nước, vẫn hạn chế về giao dịch. Do vậy, khối lượng cổ phiếu lưu hành tự do ở trên thị trường là giữ nguyên.

Trước khi niêm yết bổ sung, VCB có mức vốn hóa lớn thứ bảy thị trường, nhưng khi bổ sung thêm nó sẽ là mã cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất, chi phối khoảng 13% trong rổ tính VN-Index.

“Theo cá nhân tôi, nhiều khả năng động thái tăng mức vốn hóa cho VCB trên thị trường là một bước tạo ra sự đối trọng trong rổ tính VN-Index, khi mà 21/5 tới đây Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) sẽ thực hiện niêm yết gần 1,9 tỷ cổ phiếu trên HoSE,” ông Tuấn nói.

Hiện tại chốt phiên giao dịch ngày 14/5, cổ phiếu VCB giá đóng cửa thị trường đạt 37.000 đồng/cổ phiếu với mức thanh khoản gần 1,6 triệu đơn vị. Hiện mức giá trên cua VCB được các chuyên gia đánh giá không phải là hấp dẫn nếu so với các cổ phiếu cùng ngành như EIB (18.000 đồng/cổ phiếu) và MBB (15.000 đồng/cổ phiếu)./.
 

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục