VCPMC “xuất tướng” đòi tiền tác quyền: Quyết chiến hay cố đấm ăn xôi

Người ủng hộ thì nói đó là hành động đầy tính quyết chiến. Nhưng phía bất đồng thì lại cho rằng ông Phương đang “cố đấm ăn xôi” bởi nếu chưa có cơ sở pháp lý chặt chẽ thì đừng đem quân đi đánh vội...
VCPMC “xuất tướng” đòi tiền tác quyền: Quyết chiến hay cố đấm ăn xôi ảnh 1Khánh Ly hát trong đêm nhạc 2/8 tại Hà Nội. (Ảnh: BTC)

Giữa lúc “cuộc chiến” tác quyền dường như “nóng” hơn bao giờ hết, khi liên hệ với những nhạc sỹ hiện nay được Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) “bảo vệ” và cả những nghệ sỹ lão thành để tìm tiếng nói của người trong cuộc, phóng viên Vietnam+ đã nhận được những luồng ý kiến trái ngược nhau.

Ngoài phản ứng bức xúc tức thì, nhiều nghệ sỹ cũng thể hiện sự “tránh né” và thờ ơ bởi họ cho rằng chẳng năm nào không có những “cuộc chiến” như vậy. Nói qua nói lại cũng chẳng giải quyết được chuyện gì.

Ngay cả lần “xuất tướng” vừa mới đây của VCPMC lẫn kết cục ông Phương phải chịu ê mặt khi bị lực lượng bảo vệ “đuổi” ra ngoài ngay trước giờ khai mạc đêm nhạc Khánh Ly tại Đà Nẵng (8/8), một nhạc sỹ nổi tiếng với phong cách dân gian đương đại chậc lưỡi: “Thế này thì khổ quá! Đường đường là một ông Giám đốc, cũng là nhạc sỹ nổi tiếng…”

Nỗi tủi nhục... “đuổi gà”

Lận đận là thế nhưng đó cũng không phải là lần đầu tiên VCPMC phải “xuất tướng” thân chinh đi “gõ cửa đòi tiền” bản quyền từ các đơn vị tổ chức biểu diễn.

Trong một lần gặp gần đây của phóng viên Vietnam+ và ông Phương tại trụ sở VCPMC Hà Nội, ông Phương đã kể về những lần ông cùng trợ lý đi về các địa phương đòi quyền lợi cho các nhạc sỹ. Mặc dù đa phần trong các cuộc “ra quân” đó, ông phải bất lực ra về mà không đòi được một đồng cắc nào.

Cũng thấy cám cảnh khi ông Phương chia sẻ: “Hiểu biết về luật sở hữu trí tuệ và quyền tác giả ở các địa phương còn khá mù mờ, chính vì vậy, việc đích thân cán bộ VCPMC phải đến tận nơi ngoài mục đích đòi tiền bản quyền còn để họ làm quen với khái niệm. Lần đầu có thể không thu được đồng nào, nhưng lần thứ hai, thứ ba sẽ khác…”

Cũng có nhiều người đặt câu hỏi tại sao lần “xuất tướng” của ông Phương tại hai đêm Khánh Ly lại rầm rộ đến vậy? Dễ dàng nhận thấy cùng  sự quan tâm của báo giới, với những luồng ý kiến đồng tình và phản đối được đăng tải dày đặc trong mấy ngày qua đã nhanh chóng đẩy vụ việc thành tâm điểm dư luận.

Có lẽ đơn giản bởi đó không phải là đêm diễn của các ca sỹ vô danh nào mà là đêm của "tượng đài" Khánh Ly! Dù đây là lần thứ hai sau ba tháng, bà hát tại sân khấu Trung Tâm Hội nghị Quốc gia được xem là hoành tráng nhất thủ đô. Có thông tin trong đêm diễn lần trước, cả khán phòng hơn 3.000 ghế không một chỗ trống. Sức hút đủ làm mê hoặc công chúng như vậy hỏi có mấy ai…

Cũng đúng, vì không biết bao lâu rồi nhưng giờ đây khi đã đến tuổi thất thập Khánh Ly mới trở về để hát cho đồng bào nghe. Công chúng yêu nhạc thủ đô sẵn sàng bỏ tới bốn triệu đồng để nhìn thấy và nghe Khánh Ly hát. Ngoài lòng mến mộ còn là sự hiếu kỳ.

Đêm nhạc đầu tiên đã để lại dư âm đẹp bởi không những thành công rực rỡ về doanh thu mà còn “êm xuôi” về tác quyền bởi nhà tổ chức đã thực hiện đúng luật khi nộp cho VCPMV 260 triệu đồng.

Nhưng sau ba tháng, cũng là danh ca Khánh Ly hát tại sân khấu Trung Tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, nhưng số vé bán được đêm 2/8 chỉ vỏn vẹn 30%. Công chúng yêu nhạc Trịnh và tiếng hát Khánh Ly hẳn nhiên ai cũng thương bà. Không phải lòng mến mộ của họ đã thay đổi, chẳng qua thời gian ba tháng là quá ngắn...

VCPMC “xuất tướng” đòi tiền tác quyền: Quyết chiến hay cố đấm ăn xôi ảnh 2Danh ca Khánh Ly khóc trên sân khấu quê nhà... (Ảnh: BTC)

Thế nên trước những diễn biến và hình ảnh một ông nhạc sỹ “hùng hùng, hổ hổ” gây khó dễ bên lề đêm diễn được đăng tải trên báo, trên diễn đàn mạng cũng nổi lên làn sóng “ném đá” ông Phương chẳng khác “phường đòi nợ thuê." Họ lên án ông “lăng mạ” đêm diễn nghệ thuật chất lượng cao với tiếng hát của nữ danh ca được xem là “đền đài” của nhạc Trịnh.

Riêng giới nhạc sỹ ngoài phản ứng bức xúc tức thì, nhiều nghệ sỹ cũng thể hiện sự “tránh né” và thờ ơ bởi họ cho rằng chẳng năm nào không có những “cuộc chiến” như vậy. Nói qua nói lại cũng chẳng giải quyết được chuyện gì.

“Đuổi theo gõ cửa đòi tiền đã nhục nhã. Nhưng rất nhiều sự kiện biểu diễn chúng tôi hoàn toàn mù tịt, chỉ đến khi đêm nhạc diễn ra mới té ngửa và chẳng biết tìm ai để đòi tiền tác quyền. Bởi nhiệm vụ đóng tiền bản quyền không bị yêu cầu là điều kiện cần trong thủ tục cấp phép biểu diễn. Chúng tôi thấy tủi nhục vì mang tiếng là bảo vệ quyền tác giả nhưng thực chất cứ phải sắn quần, vã mồ hôi như đuổi gà…”- ông Phó Đức Phương bức xúc nói.

Quyết chiến hay “cố đấm ăn xôi”

Tuy không phải lần đầu VCPMC đích thân “xuất tướng” đòi tiền bản quyền tác giả, nhưng việc ông “bay” vào Đà Nẵng để “đòi công lý,” những người ủng hộ thì nói đó là hành động đầy tính quyết chiến.

Nhưng phía bất đồng thì cho rằng ông Phương đang “cố đấm ăn xôi” bởi nếu chưa có cơ sở pháp lý chặt chẽ để bảo vệ thành trì kiên cố thì đừng đem quân đi đánh vội.

Nhạc sỹ Lê Minh Sơn cho rằng "Cuộc chiến ấy sẽ còn dài và sẽ không có hồi kết. Bởi bên nào cũng cãi lý của bên đó, nhưng đúng –sai phải  truy ngược lại điểm xuất phát là luật pháp.

Luật sở hữu trí tuệ đã khẳng định việc sử dụng tác phẩm phải được sự đồng ý của tác giả (trừ tổ chức phát sóng được phép sử dụng trước mà không phải xin phép, nhưng phải trả tiền; hoặc sử dụng cho nghiên cứu, giảng dạy, tuyên truyền... thì không phải xin phép, không phải trả tiền). Nếu không, đó là hành vi xâm phạm quyền tác giả."

"Sử dụng tác phẩm thì phải xin phép, phải trả tiền. Cụ thể trong trường hợp show Khánh Ly, ban tổ chức không chứng minh được việc họ đã xin phép và được sự đồng ý của tác giả, nghĩa là chương trình vi phạm quyền tác giả," ông Phương lý giải theo luật.

Cũng theo ông Phương “Vấn đề mấu chốt gây khó cho tổ chức bảo vệ quyền của các nhạc sĩ vẫn là thủ tục xin cấp phép gửi lên cơ quan quản lý không cần bao gồm giấy chứng nhận đã thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả. Với các bầu sô và ca sỹ, chỉ cần Cục Nghệ thuật Biểu diễn hoặc các Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch cấp phép, thì nghiễm nhiên là họ đủ điều kiện pháp lý để tổ chức biểu diễn. Thành ra, tiếng là Trung tâm Bảo vệ quyền Tác giả Âm nhạc nhưng nhiệm vụ của VCPMC không phải là thu tiền bản quyền mà phải đuổi theo các đơn vị này để xin gặp, giải thích, đấu tranh, yêu cầu họ xin phép và trả tiền cho các tác giả."

Ông Phương nói thêm: "Với trách nhiệm và lương tâm trên chiếc ghế giám đốc VCPMC, tôi đã quá sốt ruột . Đã đến lúc chúng tôi phải đấu tranh, không thể nhân nhượng với những trường hợp vi phạm bản quyền đang diễn ra tràn lan và khó kiểm soát.”

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2013, khi thực hiện 110 cuộc thanh tra đối với 114 tổ chức và cá nhân, thanh tra Bộ đã phát hiện 81 trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ.

Bình luận về con số này, ông Phương cho rằng nó vẫn là khiêm tốn cho với những trường hợp vi phạm về tác quyền âm nhạc trên thực tế.

Nhớ lại những năm về trước, cứ đến dịp gần ngày mất của nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn thì khắp cả nước lại diễn ra tháng tưởng nhớ vị nhạc sĩ này bằng các chương trình ca nhạc. Và cũng từ khi ông mất, cũng chưa năm nào lại thiếu chuyện lùm xùm quanh câu chuyện tác quyền của các chương trình.

VCPMC “xuất tướng” đòi tiền tác quyền: Quyết chiến hay cố đấm ăn xôi ảnh 3Trước "lùm xùm" tác quyền đêm 2/8, chương trình đầu tiên của Khánh Ly tại Hà Nội đã để lại dư âm đẹp... (Ảnh: BTC)

Như cách đây hai năm, xảy ra việc kiện cáo xảy ra giữa hai chương trình nhạc Trịnh tại Hà Nội trùng tên “Ru tình”, ngày biểu diễn và cả list bài hát, ca sỹ biểu diễn khiến dư luận thắc mắc, khó hiểu.

Khác nhau ở chỗ đêm “Ru tình” do Inter Brand Group tổ chức tại Rạp Công nhân đã ký hợp đồng tác quyền trị giá 20 triệu với  bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Theo đó, đơn vị này được quyền sử dụng độc quyền ca khúc của ông tại Hà Nội trong thời gian từ 10/2-10/3/2012.

Trong khi đó, đêm “Ru tình” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam và đối tác là Mediamax tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào tối 7-8/3 được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép biểu diễn.

“Cuộc chiến” nổ ra khi từ phía gia đình cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và VCPMC cho rằng Cục Nghệ thuật Biểu diễn chỉ nên cấp phép biểu diễn khi thỏa thuận về tác quyền đã đạt được giữa các bên liên quan. Nhưng phía Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng khẳng định: “Không có chuyện sai luật trong việc cấp phép cho chương trình. Bởi trong các thông tư, quy chế về quản lý nghệ thuật biểu diễn, không yêu cầu đơn vị tổ chức biểu diễn phải chứng nhận đã đóng tác quyền mới được cấp giấy phép.”

Câu chuyện cũ hay “cuộc chiến” mới liên quan tới những đêm nhạc của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn một lần nữa nói lên sự chồng chéo trong việc cấp phép giữa hai đơn vị ngay trên cùng một địa bàn Hà Nội, là Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Hà Nội và Cục Nghệ thuật Biểu diễn.

“Không thể nói ai đúng, ai sai vì khi đã là Cục Nghệ thuật Biểu diễn, thì chắc chắn, không có chuyện sai luật. Và khi phía các nhạc sĩ và VCPMC muốn thu tiền tác quyền, thì cũng không thể ép Cục. Bởi đơn giản, chuyện thu được phí tác quyền âm nhạc hay không, không phải nhiệm vụ của Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Và Cục này cũng chẳng dại gì mà ôm thêm cái ‘ung nhọt’ đầy nhức nhối đó vào mình…

Cuộc chiến này thực ra chẳng khó dàn xếp, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đàm phán, thỏa thuận giữa các bên thì sẽ chẳng đi đến đâu vì chẳng bên nào muốn thêm lợi mà bớt quyền. Đã đến lúc cấp quản lý cao nhất ngành văn hóa phải mở phiên tòa tháo gỡ cái vòng luẩn quẩn về bản quyền âm nhạc hiện thời, ” như nhận định của một nghệ sỹ lão làng đã kinh qua các trọng trách cao nhất về quản lý ngành văn hóa./.

Theo thống kê của VCPMC hiện nay, tiền bản quyền thu được nhiều nhất thuộc lĩnh vực nhạc chuông, nhạc chờ, nhạc số (35%), từ nguồn karaoke là 15%, số tiền thu từ các chương trình biểu diễn chỉ chiếm 15%.

Tại Hà Nội, hiện nay mỗi năm trên địa bàn này VCPMC chỉ thu được 10% số tiền tác quyền, 90% còn lại đều trong tình trạng bị "xài chùa."

Bài 3. Thu- nộp tác quyền: “Việt Nam đi sau nhưng làm ngược với thế giới”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục