Vẻ đẹp của văn hóa và âm nhạc Xứ sở Bạch dương mãi trường tồn

Dù cho năm tháng qua đi, đối với ông Hồ Bình Minh - người từng sống và học tập tại Liên Xô trước đây - tình yêu đất nước, văn hóa và con người nước Nga vẫn luôn sống động, không gì lay chuyển.
Vẻ đẹp của văn hóa và âm nhạc Xứ sở Bạch dương mãi trường tồn ảnh 1Ông Hồ Bình Minh đứng bên một tấm bia mang tên một địa danh chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc tại Quảng trường Đỏ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đối với những người từng sống, học tập tại Liên Xô trước đây, tình yêu dành cho đất nước, con người và văn hóa Xứ sở Bạch dương luôn tha thiết, sâu lắng và đặc biệt.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Phátxít Đức, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với ông Hồ Bình Minh, Hội phó Hội Yêu nhạc Nga tại Việt Nam, người từng sống và học tập tại Liên Xô trước kia về đất nước, con người, văn hóa Xứ sở Bạch Dương cũng như về Chiến thắng vĩ đại của Hồng quân Liên Xô đánh bại phátxít Đức, kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Yêu nước Nga từ thời thơ ấu

Năm 1984, lần đầu tiên cậu thiếu niên Hồ Bình Minh đặt chân đến Liên Xô để dự Trại hè Arotech. Máy bay bay từ Việt Nam, hạ cánh ở Moskva, sau đó đi tàu hỏa từ Moskva đến Biển Đen là nơi tổ chức Trại hè Arotech.

Đất nước Nga tuyệt đẹp với bề dày lịch sử đã khiến cậu bé Việt Nam 14 tuổi hết sức ngỡ ngàng và choáng ngợp. 5 tuần ở trại hè là 5 tuần Bình Minh được tiếp xúc với các bạn thiếu nhi Liên Xô và các anh chị phụ trách người Nga.

Vốn liếng tiếng Nga học ở nhà trường đã giúp Hồ Bình Minh có thể giao tiếp được với các bạn Nga, vì thế cậu nghiễm nhiên đảm nhiệm vai trò phiên dịch không chính thức cho đoàn, điều khiến Bình Minh cảm thấy rất thú vị, và tình yêu nước Nga, ngôn ngữ Nga đã ngấm vào cậu học sinh Việt Nam từ đó.

Khi trở về Việt Nam, Hồ Bình Minh đã theo đuổi học tiếng Nga một cách nghiêm túc với mong muốn trở thành nhà phiên dịch tiếng Nga. Anh thi vào Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội khoa tiếng Nga và đến năm thứ 3, anh cùng các bạn đi thực tập ở thủ đô Minsk của Belarus.

Hồ Bình Minh nhớ lại, đó là chuỗi ngày tươi đẹp nhất của tuổi trẻ. Thủa sinh viên sôi nổi, vô tư ấy được phát triển trong một môi trường học tập rất tốt nên đã thấm được tất cả những gì tốt đẹp nhất của Liên Xô thời điểm đó, từ tính cách con người cho đến nền văn hóa và nhất là âm nhạc của Liên Xô trước đây, nước Nga sau này.

Tình yêu đặc biệt với âm nhạc và văn hóa Nga

Nói về tình yêu đặc biệt với văn hóa Nga, đặc biệt là âm nhạc Nga, Hồ Bình Minh chia sẻ, tình yêu đó có sự ảnh hưởng cả từ người cha là nhạc sỹ Hồ Quang Bình - người dẫn chương trình cho các chương trình nhạc giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trước đây.

Ông cũng từng thực hiện nhiều chương trình về âm nhạc thính phòng và cổ điển cho Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Truyền hình Hà Nội.

Hội phó Hội Yêu nhạc Nga tại Việt Nam Hồ Bình Minh cho biết: "Bố tôi - nhạc sỹ Hồ Quang Bình - rất say mê âm nhạc của Traikovsky - nhạc sỹ người Nga nổi tiếng thế giới với các bản nhạc không lời, những tác phẩm giao hưởng mang dáng dấp đồng quê, miêu tả cảnh đẹp nông thôn Nga. Đặc biệt, nói đến nhạc cổ điển Nga là phải nói đến vở ballet 'Hồ Thiên Nga,' 'Kẹp Hạt Dẻ' của Traikovsky. Đó chính là âm nhạc kinh điển."

Nhạc sỹ Hồ Quang Bình thường kể cho con trai về các trích đoạn âm nhạc cổ điển, đặc biệt là âm nhạc cổ điển Nga với các tác phẩm nổi tiếng của Traikovsky.

Ông thường dẫn con trai đến nơi mình làm việc khi ông dẫn các chương trình âm nhạc cổ điển và cứ thế, âm nhạc đã ngấm vào cậu bé Hồ Bình Minh, hình thành nên thói quen nghe nhạc và lớn lên thành tình yêu nhạc Nga sâu sắc.

Trong nhiều tác phẩm âm nhạc Nga, bài hát ''Chia tay cô gái Slav,'' được phổ nhạc dựa trên lời thơ của thiếu úy quân nhạc V. I. Agapkin và bài ''Người Nga có muốn chiến tranh không?'' là những bài hát mà Hồ Bình Minh đặc biệt yêu thích.

Ông cho biết bài hát ''Người Nga có muốn chiến tranh không?'' đã gây ấn tượng mạnh với cá nhân ông. Người Nga không bao giờ muốn xảy ra chiến tranh, nhưng họ buộc phải cầm súng để bảo vệ lãnh thổ, và hơn thế, họ còn giải phóng một số nước châu Âu khác.

Hiện nay, tại các nước như Cộng hòa Séc, Bulgaria và Hungary vẫn còn những đài tưởng niệm những chiến sỹ Xô Viết và người dân ở những đất nước này vẫn tới đặt hoa tri ân các chiến sỹ Hồng quân Nga đã giải phóng họ khỏi ách phátxít.

Một trong những kỷ niệm khiến Hồ Bình Minh nhớ mãi là năm 1991, khi ông đang học ở Minsk. Ngày nghỉ lễ Chiến thắng 9/5, ông dậy sớm và đi bộ ra quảng trường Chiến thắng hòa cùng người dân sở tại xem diễu binh.

Lẫn trong công chúng có rất nhiều cựu chiến binh, nhiều người trong số họ đã già, đeo huy-huân chương đầy ngực. Họ gặp nhau, chuyện trò, chia sẻ những kỷ niệm thời chiến, vẻ mặt ai cũng hân hoan.

Trong khi đó, loa phát thanh phát giai điệu của một bài hát có nội dung tiễn một chiến sỹ lên đường, đó chính là bài ''Tạm biệt cô gái Slav''

“Đã tới rồi giây phút chia tay
Bao âu lo em gửi qua ánh mắt
Anh đón nhận hơi thở nồng nàn
Còn phía xa, chớp dông vừa lóe sáng”

Với Hội phó Hội yêu nhạc Nga tại Việt Nam Hồ Bình Minh, ngày 9/5/1945 là một dấu mốc của lịch sử nhân loại, đánh dấu Chiến thắng phátxít vĩ đại của Hồng quân Liên Xô.

Từ khi còn học ở Liên Xô, ông đã đi thăm thành phố hải cảng Sevastopol - nơi diễn ra trận chiến ác liệt diễn ra giữa hải quân Liên Xô và phátxít Đức.

Ông cũng đã đến thăm một di tích lịch sử tương tự Mỹ Lai của Việt Nam - đó là làng Khatun ở Belarus - nơi diễn ra cuộc thảm sát của phátxít Đức đối với dân làng khi chúng nhốt những người dân vào trong nhà rồi đốt. Những tội ác chiến tranh của phátxít Đức không bao giờ khiến ông có thể quên được.

Chiến thắng phátxít Đức ngày 9/5/1945 đã kết thúc một thời kỳ hết sức gian khó của Liên Xô. Với sự giúp đỡ của quân đồng minh, nhưng quân Liên Xô vẫn là nhân tố chủ lực trong chiến thắng này. Sự thật đó là hiển nhiên. Và lịch sử về câu chuyện Chiến thắng ngày 9/5/1945 không gì có thể thay đổi.

"Vẻ đẹp của tiếng Nga, văn hóa Nga là muôn đời"

Đối với nhiều người Việt Nam, hình ảnh đất nước và con người Liên Xô vẫn luôn sống động với một tình yêu không lay chuyển. Tình cảm đó không đơn thuần chỉ những gì được học trong sách vở mà còn qua kinh nghiệm thực tế trong cuộc sống.

Những người đã từng đi học ở Liên Xô trước đây đều có chung một tình yêu nước Nga sâu lắng và thủy chung. Thế hệ sau có thể hiểu được vì sao bố mẹ mình yêu văn học, yêu nước Nga, yêu tính cách Nga đến như vậy nếu họ tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa Nga, nghe nhạc Nga, đọc văn học Nga.

Theo ông Hồ Bình Minh, đó là những giá trị họ truyền lại cho thế hệ sau này, có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ nhấn mạnh Ngày Chiến thắng phátxít hay vị trí của Liên Xô trên bản đồ thế giới. Những giá trị tốt đẹp về văn hóa luôn trường tồn, và vẻ đẹp trong âm nhạc, văn học, nghệ thuật trước đây của Nga có giá trị muôn đời.

Mới đây, Trung tâm Văn hóa Nga (số 501 Kim Mã, Hà Nội) đã tổ chức triển lãm các tác phẩm của các họa sỹ Nga. Bên cạnh đó, Tuần lễ chiếu phim Nga tại Hà Nội cũng là những cơ hội để thế hệ trẻ Việt Nam tìm hiểu về đất nước, con người nước Nga.

Sẽ đến thời điểm mà thế hệ những người Việt Nam trực tiếp có quan hệ, về mặt học hành hay là công việc, trải nghiệm cuộc sống tại Liên Xô, dần mất đi, nhưng các thế hệ sau này vẫn có thể tìm hiểu về nước Nga, văn hóa Nga qua những tác phẩm văn học, âm nhạc và hội họa.

Nhiều năm trở lại đây, lượng du khách Nga sang Việt Nam ngày càng tăng. Ở các thành phố du lịch như Nha Trang, Mũi Né (Phan Thiết) - nơi tiếp đón nhiều du khách Nga, tiếng Nga đã được hồi sinh. Điều này là niềm vui đối với những người Việt Nam yêu nước Nga khi thứ ngôn ngữ một thời thân thương có cơ hội được phát triển trở lại.

Ông Hồ Bình Minh hy vọng, khi tiếng Nga tại Việt Nam được hồi sinh, nước Nga trong lòng Việt Nam cũng sẽ không thay đổi nhiều so với lúc trước đây, như thời Liên Xô, thậm chí mối quan hệ hợp tác Việt-Nga còn phát triển mạnh mẽ hơn thời Liên Xô trước đây trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, và ông tin rằng giá trị tốt đẹp của văn hóa Nga, của con người Nga sẽ luôn trường tồn ở Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục