Vẻ đẹp "trăng khuyết"

Những “vầng trăng khuyết” truyền lửa cho cộng đồng

Tỏa sáng trong cuộc thi "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết," các thiếu nữ khuyết tật đã truyền cảm hứng về nghị lực sống mãnh liệt của mình...
Tỏa sáng trong đêm chung kết cuộc thi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết," những thiếu nữ khuyết tật đến từ khắp mọi miền tổ quốc đã truyền cảm hứng cho cộng đồng và xã hội về nghị lực sống mãnh liệt và khao khát được cống hiến cháy bỏng của mình. Không đầu hàng số phận Là một cô bé gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống, 10 tuổi bị ung thư, 11 tuổi phải cắt bỏ nửa chân trái, phải trải qua những đợt xạ trị kéo dài và đau đớn nhưng Đoàn Lê Thu “chưa bao giờ có suy nghĩ từ bỏ sự sống.” Trái lại, cô bé đã sống và sống một cách mạnh mẽ. Với nụ cười luôn nở trên môi, Đoàn Lê Thu chia sẻ: “Khi sinh ra chúng ta không có quyền lựa chọn cuộc sống nhưng chúng ta có quyền lựa chọn cách sống cho mình. Vì vậy, khiếm khuyết lớn nhất của đời người là đầu hàng số phận.” Tuy mới đôi mươi nhưng Thu đã sớm có nhiều suy nghĩ và chiêm nghiệm sâu sắc. Trải qua một tuổi thơ với cơ thể không trọn vẹn nhưng Thu luôn làm đầy tình yêu cuộc sống của mình bằng suy nghĩ tự tin: “Các bạn hãy tự tin lên, tiến về phía trước gieo hạt mầm và đón nhận tương lai.” Với tâm niệm “sự sống này thật đáng quý, tạo hóa vẫn cho ta tồn tại, nghĩa là ta vẫn còn cơ hội để học hỏi, để cống hiến và thể hiện mình như bao người khác,” Thu thường tham gia các hoạt động xã hội và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Hiện đang làm việc tại một cửa hàng thời trang, Lê Thu cho rằng cái gì cũng có hai mặt, hãy nhìn xuống để thấy cuộc đời này ta vẫn còn may mắn hơn biết bao người và hãy nhìn lên để thấy cuộc đời này ta còn cần phải cố gắng nhiều hơn. Trong đêm chung kết cuộc thi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết,” Đoàn Lê Thu đã có phần thi ứng xử hay nhất để lại nhiều suy tư cho người xem. Những người như Thu đã khiến cho cộng đồng nhận ra, chính những người có khiếm khuyết thể chất, bằng những hoạt động xã hội tích cực của mình đã góp phần giúp cho những người xung quanh nhìn ra được giá trị cuộc sống, từ đó có ý thức sống tốt hơn, sống đẹp hơn và sống xứng đáng hơn với sự may mắn của mình! Khát vọng tỏa sáng Tự ví mình là “cây nến cong hai lần” khi trả lời cho câu hỏi “bạn nghĩ như thế nào về câu nói ngọn nến thẳng, ngọn nến cong khi được thắp lên đều tỏa sáng lung linh,” Nguyễn Thị Ánh Ngọc đã chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình. Qua đó, Ánh Ngọc muốn nhắn nhủ: “Tôi đã có thể trưởng thành dù là một ngọn nến cong hai lần và các bạn cũng vậy. Không gì là không thể, phải có ước mơ mới có hiện thực.” Sinh ra đã bị vẹo cột sống, sau đó bị liệt hai chân, Ngọc chưa bao giờ mặc cảm và tự ti mà luôn khao khát vươn lên và nỗ lực không ngừng. Tám năm liền là lớp trưởng với thành tích học tập xuất sắc, cô luôn là niềm tự hào của gia đình, bạn bè, thầy cô.
Những “vầng trăng khuyết” truyền lửa cho cộng đồng ảnh 1

Giây phút đăng quang của Nguyễn Thị Ánh Ngọc. (Ảnh: Minh Hằng/Vietnam+)
Với ước mơ trở thành một nhà trị liệu tâm lý, cô gặp phải vô vàn khó khăn do tình trạng bệnh tật mang lại và sự phản đối của gia đình vì sợ cô không thể tự lo cho mình khi lên Hà Nội trọ học. Nhưng cô đã không từ bỏ mà kiên trì theo đuổi ước mơ đến cùng, trở thành sinh viên khoa Tâm lý, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Với Ánh Ngọc, cuộc sống là những mảnh ghép nhiều màu sắc và nó là hành trình của những trải nghiệm để mỗi người có thể tự tạo nên bức tranh cuộc đời của chính mình. Chia sẻ sau khi đạt danh hiệu cao nhất của cuộc thi, Ánh Ngọc cho biết: “Em đang viết và đề xuất dự án về việc thành lập một trung tâm tâm lý trợ giúp cho người khuyết tật. Vì em muốn sử dụng những kiến thức và trải nghiệm của bản thân để giúp đỡ cho những người khuyết tật.” Dự định này của cô sinh viên tâm lý là bằng chứng sinh động cho nghị lực vươn lên, vượt qua số phận trên hành trình hiện thực hóa ước mơ “chữa lành vết thương tâm hồn cho người khác cũng là tự chữa lành vết thương tâm hồn cho chính mình.” Quả thật, nghị lực và khát vọng sống mãnh liệt của những “vầng trăng khuyết” đã và đang “truyền lửa” cho cộng đồng và xã hội để mọi người sống có trách nhiệm và ý nghĩa hơn./.
Đêm chung kết cuộc thi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” đã diễn ra vào tối ngày 14/4  vừa qua, tại Hà Nội, với ba phần biểu diễn trang phục tự chọn, tài năng và ứng xử.

Kết quả chung cuộc, thí sinh Nguyễn Thị Ánh Ngọc – sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đoạt giải Nhất; thí sinh Nguyễn Thị Hậu đoạt giải Nhì; thí sinh Nguyễn Thị Thu Hiền đoạt giải ba.

Ngoài ra, các danh hiệu Trang phục tự chọn đẹp nhất, người đẹp Thân thiện nhất, người đẹp có Gương mặt khả ái nhất, người đẹp Tài năng và người đẹp Ứng xử hay nhất lần lượt thuộc về các thí sinh Lê Thị Thúy Đoan, Trần Thị Hồng Thanh, Nguyễn Thị Ngọc Hòa, Vương Thị Bích Việt và Đoàn Lê Thu.

Minh Hằng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục