Về Phú Thọ xem múa Trống đu của người Mường dịp Tết

Không biết từ bao giờ, cùng với nghệ thuật cồng chiêng, các làn điệu hát giang, hát ví... điệu múa Trống đu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Mường mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Về Phú Thọ xem múa Trống đu của người Mường dịp Tết ảnh 1Các nghệ nhân dân gian huyện Yên Lập trong điệu Múa trống đu. (Nguồn: phutho.gov.vn)

Không biết từ bao giờ, cùng với nghệ thuật cồng chiêng, múa mỡi đồng, múa ngoắt ngoe, các làn điệu hát giang, hát ví... điệu múa Trống đu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Mường mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Trong không khí xuân rộn ràng, tiếng trống da diết, mãnh liệt kết hợp với các động tác gõ trống, xoay trống, lăn trống, vần trống, ôm trống, nửa như chào đón người phương xa trở về.

Để tìm hiểu những nét độc đáo của múa Trống đu, chúng tôi đã tới thăm mảnh đất vùng cao Hạ Bạc, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập - nơi có trên 70% đồng bào dân tộc Mường sinh sống.

Chúng tôi may mắn được gặp ông Nguyễn Mạnh Hoạch, người “giữ lửa” cho điệu múa Trống đu nơi đây. Ngoài 60 tuổi, ông Hoạch vẫn giữ phong tục ăn trầu của người Việt, vừa têm miếng trầu, vừa vui vẻ trò chuyện với những vị khách đến chơi nhà.

Theo lời kể của ông Hoạch, điệu múa Trống đu bắt nguồn từ câu chuyện mua vui của người cha dành cho đứa con nhỏ khi người mẹ mất sớm. Ông kể rằng xưa kia có một gia đình nọ đang sống êm ấm, hạnh phúc thì không may người vợ lâm bệnh nặng rồi qua đời. Người chồng rất đau khổ, còn cậu con trai bé nhỏ thì cứ khóc đòi mẹ khôn nguôi.

Tìm mọi cách dỗ dành mà con không nín, thương con, người cha bèn sang bản bên mua một chiếc trống mang về để đánh cho con nghe, cũng là khỏa lấp đi nỗi nhớ người vợ trẻ bạc phận. Từ đó, chiếc trống trở thành niềm an ủi, gắn bó với hai cha con.

Sau này, khi người cha già yếu, người con lại lấy trống ra đánh để mua vui cho cha xem. Đến khi người cha qua đời, người con múa trống như một cách để tưởng nhớ, tiễn biệt người cha về nơi chín suối. Cứ như thế, tục múa Trống đu được người dân lưu truyền từ đời này qua đời khác, trở thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mường nơi đây.

Theo thời gian và nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần ngày càng tăng lên của đồng bào Mường, ngày nay, biểu diễn múa Trống đu không chỉ để giãi bày, thể hiện nỗi nhớ thương và biết ơn đối với cha mẹ đã một đời vất vả nuôi con khôn lớn. Các màn biểu diễn Trống đu còn góp phần phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân trong các dịp hội hè, lễ tết, mừng nhà mới... với mong muốn cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an.

Một đội múa Trống đu gồm 12 người, trong đó có ba người đánh trống, hai anh mõ lộn, một anh thợ kèn và sáu nữ sênh tiền.

Trước khi múa, nữ mặc trang phục truyền thống của người Mường, tay cầm đôi sênh tiền hoặc dải khăn; các anh đánh trống con, mõ lộn, thổi kèn mặc quần áo Mường màu nâu, đai ngang và khăn chít đầu màu đỏ. Riêng người đánh trống cái thường mặc quần hồng, áo đỏ, đai ngang màu xanh, khăn chít đầu màu đỏ, chân quấn xà cạp. Để cho điệu múa thêm phần vui nhộn, người trực tiếp múa trống thường trang điểm cho gương mặt hài hước giống như những anh hề thời xưa.

Ông Hoạch cho hay múa Trống đu yêu cầu phải có sức khỏe, sự dẻo dai, khéo léo. Vì thế, người trực tiếp đánh và múa trống thường là nam giới; khi đánh thạo trống rồi mới chuyển sang các động tác “hề trống” mua vui. Khi đánh trống phải có hồn, phải lắng đọng trong lòng người xem, người nghe.

Tiết tấu múa trống lúc dồn dập, lúc uyển chuyển; người múa trống cái khi thì vờn trống, khi lại đùa trống đi các góc... kết hợp nhịp nhàng với nhịp trống con và tiếng kèn tạo nên âm thanh khi vui nhộn, hân hoan, khi lại lắng sâu, vang vọng.

Qua lời chia sẻ của ông Hoạch và bà con khu Hạ Bạc, chúng tôi được biết đối với đồng bào Mường, múa Trống đu được coi là báu vật cha truyền con nối. Hầu như tất cả nam giới ở đây đều có thể múa được Trống đu, bởi đơn giản là vì tình yêu họ dành cho gia đình, cho xóm làng thân yêu. Không những thế, để gìn giữ và bảo tồn điệu múa độc đáo của dân tộc, bản thân ông Hoạch và những người biết điệu múa Trống đu gốc đã truyền dạy cho con cháu.

Thông qua những buổi tập luyện tại đội văn nghệ của khu dân cư, nhiều nam, nữ thanh niên đã hiểu hơn về nguồn gốc, giá trị nghệ thuật và giá trị nhân văn của múa Trống đu, từ đó thêm yêu hơn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Và cho đến nay, điệu múa này đã được thế hệ trẻ đón nhận với tình cảm trân trọng nhất.

Kết thúc chuyến hành trình, những giai điệu, hình ảnh múa Trống đu vẫn in đậm trong tâm trí chúng tôi. Dù giản đơn là tích trò mua vui nhưng múa Trống đu lại mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nghe và xem múa Trống đu, mỗi chúng ta sẽ có thêm những trải nghiệm của riêng mình, được giao lưu văn hóa, được đánh thức những tình cảm sâu kín nhất để hướng tới những ước vọng tốt đẹp, bình yên và hạnh phúc trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục