Về thăm căn cứ địa cách mạng Xứ ủy Nam Bộ, nhớ đồng chí Lê Duẩn

Trong suốt 3 năm, từ 1946-1949, gia đình ông Nguyễn Văn Siêu và vợ là bà Trần Thị Én đã tận tình chăm lo cuộc sống, bảo vệ an toàn đồng chí Lê Duẩn đến ngày đồng chí rời Tháp Mười về căn cứ U Minh.
Về thăm căn cứ địa cách mạng Xứ ủy Nam Bộ, nhớ đồng chí Lê Duẩn ảnh 1Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm cán bộ, nhân dân xã Nhơn Hưng - xã Anh hùng của huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) có nhiều thành tích trong chiến đấu chống Khmer Đỏ của chế độ diệt chủng Pol Pot (Campuchia), bảo vệ biên giới Tây Nam. (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn, chúng tôi trở lại thăm nơi Tổng Bí thư từng hoạt động trong những năm 1946-1949 thuộc vùng Đồng Tháp Mười, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Tân An cũ, nay là xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.

Lịch sử oanh liệt một thời còn ghi lại ở tấm bia truyền thống Xứ ủy Nam Bộ được dựng nên cách đây hơn 40 năm, nay tọa lạc tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh: “Nơi đây trong kháng chiến chống Pháp là căn cứ địa cách mạng của Xứ ủy Nam Bộ của khu 8. Quân và dân nơi đây trong hai cuộc kháng chiến đã đoàn kết một lòng dũng cảm chiến đấu, giữ vững truyền thống cách mạng, nuôi dưỡng và bảo vệ các lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, trong đó có đồng chí Lê Duẩn."

Cách đó không xa, nhà của bà Nguyễn Thị Thay, hay gọi má Tám - một trong những người hết lòng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tạo mọi điều kiện để đồng chí Lê Duẩn, bấy giờ với cương vị Bí thư Xứ ủy, chức vụ chính quyền Trưởng phòng dân quân, làm việc, lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.

Căn nhà này đã được sửa chữa khang trang và trang trọng treo tấm hình của má Tám với đồng chí Lê Duẩn.

Bà Lê Thị Hà - cháu nội má Tám cho biết: "Đây là tấm hình bà nội chụp với ông Ba Lê Duẩn khi ông trở lại thăm nội. Thấy căn nhà ọp ẹp, ông Ba nói với bà nội để ông xây lại cho bà căn nhà mới sống trong lúc tuổi già. Vài tháng sau, bà nội được tặng căn nhà tình nghĩa. Bà vui lắm."

Cách nhà má Tám hơn 300m, bên kia kênh Dương Văn Dương là nhà ông Nguyễn Văn Siêu. Ông Nguyễn Văn Siêu và gia đình đã nhường căn nhà đang ở cho đồng chí Lê Duẩn làm nơi nghỉ ngơi, làm việc và cất một ngôi nhà khác phía sau để gia đình ở.

[Những câu nói đi vào lịch sử của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn]

Trong suốt 3 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Siêu và vợ là bà Trần Thị Én đã tận tình chăm lo cuộc sống, bảo vệ an toàn đồng chí Lê Duẩn đến ngày đồng chí rời Tháp Mười về căn cứ U Minh.

Ngôi nhà này hiện nằm trong khu di tích cấp quốc gia Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Công trình đang được thi công trên diện tích khoảng 3 ha, với tổng kinh phí đầu tư gần 130 tỷ đồng. Thời gian thực hiện công trình từ năm 2013, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017.

Công trình gồm các hạng mục: nơi ở đồng chí Lê Duẩn (di tích gốc); Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ; nhà in Nam Bộ; phòng bào chế y dược; nơi ở đồng chí Phạm Văn Bạch; nơi ở đồng chí Trần Văn Trà; khuôn viên mộ ông Nguyễn Văn Siêu và bà Trần Thị Én; nhà truyền thống, trưng bày (kết hợp hành chính và đón tiếp khách); nhà bia tôn vinh, sân lễ... Đây là một trong những di tích trọng điểm của Long An nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, kết nối du lịch, quảng bá di sản văn hóa, hình ảnh địa phương, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Nhìn cây vú sữa xanh tươi trong khu di tích, ông Nguyễn Hoàng Văn - cháu nội ông Nguyễn Văn Siêu cho biết: "Ông nội tôi kể lại rằng ông Ba Lê Duẩn là người sống rất tình cảm, chia sẻ nỗi khổ của người dân. Ngay cả cây vú sữa nội tôi trồng, hằng năm cứ vào dịp Tết cho quả, nội tôi đem biếu ông Ba và các đồng chí đang hoạt động tại đây. Thấy ông nội tôi cứ đem vú sữa biếu hoài, ông Ba Lê Duẩn đề nghị mua lại cây vú sữa. Hiện cây vú sữa vẫn còn sum xuê, xanh tốt và ra quả đều đặn hàng năm. Khi ông Ba Lê Duẩn ở đây, người dân rất qúy mến, đến ngày rời đi, người dân nơi đây bùi ngùi đưa tiễn với tình cảm thân thương, sâu nặng. Tôi thấy rất tự hào vì quê hương, bởi xóm làng nơi đây được lãnh đạo cấp trên về hoạt động để chỉ đạo kháng chiến. Sau này, nơi đây được xây dựng thành khu di tích người dân chúng tôi rất mừng."

Ông Lê Phước Vẹn - Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Hòa Lập cho hay xã Nhơn Hòa Lập đã được công nhận xã văn hóa vào năm 2011. Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân trong xã đang phấn đấu thực hiện lộ trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2018.

Theo ông Lê Phước Vẹn, tỉnh Long An, huyện Tân Thạnh đang có quy hoạch phát triển vùng lúa chất lượng cao khoảng 10.000 ha, trong đó xã Nhơn Hòa lập có hơn 10ha được quy hoạch. Đảng bộ chính quyền và nhân dân trong xã cũng nhất trí thực hiện các mô hình sản xuất hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục