Vệ tinh bí ẩn của Nga gây đồn đoán về "vũ khí trên quỹ đạo"

Hoạt động của vệ tinh Nga bí ẩn đã khiến người ta đồn đoán về việc Moskva đang khôi phục chương trình vũ khí diệt vệ tinh có từ thời Liên Xô.
Vệ tinh bí ẩn của Nga gây đồn đoán về "vũ khí trên quỹ đạo" ảnh 1Hình ảnh trên màn hình radar ghi nhận hoạt động của vệ tinh Kosmos (Nguồn: RT)

Một vệ tinh bí ẩn của Nga xoay vòng trên quỹ đạo Trái đất đã khiến báo chí toàn cầu lên cơn sốt, khi nó thực hiện các di chuyển bất thường. Hoạt động của vệ tinh này đã khiến người ta đồn đoán về việc Nga đang khôi phục chương trình vũ khí diệt vệ tinh có từ thời Liên Xô.

 

Theo RT, vệ tinh trên dường như đã được phóng vào không gian cách nay 6 tháng, cùng với 3 vệ tinh liên lạc của quân đội mang tên Kosmos-2496, Kosmos-2497 và Kosmos-2498. 

Tên vệ tinh thứ 4 đã không được công bố, dù nằm trong kiện hàng mà tàu vũ trụ Nga đưa lên quỹ đạo. Vì thế ban đầu giới quan sát quốc tế tưởng nó là mảnh vỡ hình thành từ vụ phóng vệ tinh và gọi nói là "Vật thể 2014-28E”. Tuy nhiên sau khi phát hiện "vật thể" có các di chuyển bất thường, quân đội Mỹ đã xếp hạng lại và gọi nó là vệ tinh.

Trong bối cảnh chính quyền Nga không tiết lộ gì nhiều về vệ tinh bí ẩn, tin đồn đã thi nhau xuất hiện. Financial Times là tờ báo đầu tiên đưa tin về vệ tinh bí ẩn, được họ gọi là "vệ tinh sát thủ của Nga".

Tờ nhật báo phát hành quốc tế của Anh này cho biết vệ tinh bí ẩn đang được Bộ Chỉ huy phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD, thuộc quân đội Mỹ) theo dõi với mã 39765. Tờ báo nói rằng bí ẩn quanh vệ tinh đã làm "dấy lên nỗi sợ hãi về khả năng khôi phục một dự án nghiên cứu vũ khí tiêu diệt vệ tinh của Liên Xô, đã từng bị ngưng hoạt động."

Do Bộ Quốc phòng Nga từ chối trả lời phỏng vấn, thêm nhiều hãng tin nhảy vào cuộc, bên cạnh những người đam mê không gian, đã đưa các giả thuyết của họ lên mạng xã hội. Tờ The Register gọi vệ tinh là "Vũ khí trên quỹ đạo", dù thừa nhận rằng "không ai biết vệ tinh bí ẩn làm gì ở trên quỹ đạo và nó có khả năng gì." Tờ Washington Post thì đồn đoán về khả năng khôi phục chương trình chiến tranh chống vệ tinh có từ thời Liên Xô mang tên Istrebitel Sputnikov.

Tuy nhiên các đồn đoán này đã không xét tới những sự thay đổi của thời hiện đại. Vào những năm 1960, hệ thống chống vệ tinh của Liên Xô có thể gây kinh sợ với tiềm năng lớn trong việc tiêu diệt vệ tinh của đối phương. 

Tuy nhiên ở thời hiện đại, việc đánh cắp hoặc can thiệp vào dữ liệu của đối phương còn được xem là vũ khí mạnh hơn, trong bối cảnh ngày càng nhiều chính quyền và người thường trở nên lệ thuộc vào vệ tinh và sử dụng nó cho các nhu cầu thường nhật như liên lạc, dẫn đường.

“Có khả năng các hoạt động này là để chuẩn bị mang tới một bất ngờ không dễ chịu về mặt chiến lược cho khả năng quân sự của Washington. Nó sẽ gây nhiều sự chú ý và rất nhiều câu hỏi dành cho Moskva" - nhà phân tích về không gian James Oberg đã nói như vậy trong lá thư điện tử gửi hãng tin NBC News. Ông nói thêm rằng Lầu Năm Góc có thể đã nắm được nhiều thông tin về kế hoạch của người Nga hơn dân thường.

Tuy nhiên Washington Post cũng dẫn lời chuyên gia không gian Patricia Lewis, người cho rằng không cần phải phóng vệ tinh lên để gây nghẽn vệ tinh khác. Ngoài ra, Lewis cho rằng việc phá hủy một vệ tinh trên không gian có thể tạo ra rất nhiều mảnh vỡ nguy hiểm, có thể đe dọa vệ tinh của chính nước sử dụng vũ khí diệt vệ tinh. Vì lẽ đó, Lewis không thể hình dung ra vệ tinh bí ẩn của Nga đang làm gì trên quỹ đạo.

Đã có những lời đồn cho rằng đây có thể chỉ là một vệ tinh chịu trách nhiệm nạp lại nhiên liệu hoặc sửa chữa vệ tinh hỏng. Tuy nhiên đây cũng có thể chỉ là một hoạt động thử nghiệm động cơ đẩy mới của người Nga hoặc hoạt động nghiên cứu khả năng dọn rác vũ trụ.

“Tôi nghĩ rằng vấn đề này có liên quan tới mảnh vỡ trên không gian và dọn dẹp mảnh vỡ nhiều hơn bất kỳ khả năng nào khác. Hiện tại rác trên không gian là một vấn đề lớn. Có khoảng hơn 20.000 mảnh vỡ với kích cỡ trên 10 cm nằm ở quỹ đạo thấp của Trái đất và dường như người ta chỉ đang tìm cách xử lý vấn đề này" - nhà nghiên cứu Colin Philp nói với hãng tin RT của Nga. 


(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục