Vệ tinh VINASAT-2: Sau 10 năm sẽ thu hồi lại vốn

Phó Tổng giám đốc VNPT cho biết, hai vệ tinh VINASAT mà đơn vị này phóng lên quỹ đạo sẽ thu hồi vốn sau khoảng 10 năm hoạt động.
Ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, hai vệ tinh VINASAT mà đơn vị này phóng lên quỹ đạo sẽ thu hồi vốn sau 10 năm hoạt động.

Thông tin trên được ông Đức chia sẻ vào ngày 9/5, tại buổi công bố sự kiện chuẩn bị phóng vệ tinh VINASAT-2.

Theo lãnh đạo VNPT, tháng 4/2008, VINASAT-1, vệ tinh đầu tiên của Việt Nam được phóng lên quỹ đạo và chỉ sau một năm khai thác, 70% dung lượng của vệ tinh này được đưa vào sử dụng. Đến nay, con số này đã tăng lên 90% trong khi nhu cầu khách hàng là khá cao. Đó cũng chính là lý do mà dự án VINASAT-2 được xúc tiến.

Khi đưa VINASAT-1 lên quỹ đạo, VNPT phải chi tới 3.900 tỷ đồng. Và trong bốn năm qua, vấn đề khai thác vệ tinh này được cho biết là rất hiệu quả.

Ông Hồ Công Lâm, Phó Giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế-đơn vị chịu trách nhiệm kinh doanh VINASAT cho hay, doanh thu dự kiến của VINASAT-1 năm 2012 vào khoảng 250 tỷ, đó là chưa kể đến khoảng 30% băng tần do VNPT sử dụng. Doanh thu năm sau cao hơn năm trước.

Ông Lâm cũng chia sẻ, việc kinh doanh trong lĩnh vực vệ tinh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang cạnh tranh hết sức gay gắt. Về phía mình, VNPT sẽ tập trung tới các khách hàng trong nước và hướng sang các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan…

“Phía VNPT sẽ đáp ứng tối đa các nhu cầu của khách hàng như về chất lượng truyền dẫn, giá cả dịch vụ. Chúng tôi đã có kế hoạch tiếp xúc với các khách hàng tiềm năng và hy vọng ngay trong năm nay sẽ có thqy đổi lớn trong việc khai thác VINASAT, đặc biệt với lĩnh vực truyền hình,” ông Lâm nói.

Dù áp lực cạnh tranh là khá cao, song nói về hiệu quả kinh doanh, ông Đức thẳng thắn: “Theo thiết kế, VINASAT-1,2 có tuổi thọ 15 năm nhưng thông thường vệ tinh của các quốc gia khác có tuổi thọ lâu hơn. Nếu vệ tinh phát triển tốt, theo tính toán của chúng tôi thì chỉ 10 năm là thu hồi vốn.”

Ngoài ra, ông Đức cho rằng việc phóng vệ tinh viễn thông lên quỹ đạo “không đơn thuần chỉ là mục tiêu kinh doanh.” Bởi, VINASAT còn đáp ứng nhiều nhu cầu khác như phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, phòng chống thiên tai, cứu hộ…

Bên cạnh đó, khi có động đất, thiên tai… khiến các đường cáp quang biển bị đứt thì rõ ràng vệ tinh đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm thông tin thông suốt, an toàn.

Được biết, tổng vốn đầu tư cho VINASAT-2 vào khoảng từ 260-280 triệu USD. Trong đó, VNPT có 20% vốn và số còn lại là đi vay thương mại.

Theo kế hoạch, vào lúc 5 giờ 13 phút ngày 16/5 (giờ Việt Nam), VINASAT-2 sẽ được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh ở vị trí 131,8 độ Đông bằng tên lửa Arian 5, từ bãi phóng Kouru (Guyana-Nam Mỹ)-nơi đã phóng thành công VINASAT-1.

VINASAT-2 được sản xuất trên nền tảng khung A2100 với công nghệ hiện đại. Với 30 bộ phát đáp 36MHz trên băng tần Ku (24 bộ khai thác thương mại và 6 bộ dự phòng), VINASAT-2 có khả năng phủ sóng khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận. Dung lượng truyền dẫn tương đương 13.000 kênh thoại/Internet/Truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình.

Sau khi phóng lên quỹ đạo và nghiệm thu, VINASAT-2 dự kiến được khai thác chính thức vào nửa đầu tháng 7/2012./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục