VEC nêu lý do suất đầu tư dự án Bến Lức-Long Thành quá cao

VEC lên tiếng lý do suất đầu tư dự án Bến Lức-Long Thành quá cao

Theo VEC, sở dĩ suất đầu tư của dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành cao 25,8 triệu USD/km là do tuyến phải đi qua vùng địa chất, thủy văn rất phức tạp thuộc vùng ven biển, cửa sông ở Đông Nam Bộ.
VEC lên tiếng lý do suất đầu tư dự án Bến Lức-Long Thành quá cao ảnh 1Triển khai thi công các gói thầu xây lắp Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Trước dư luận báo chí về tình trạng suất đầu tư của dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành lên đến 25,8 triệu USD/km, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC, chủ đầu tư) vừa chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Theo lý giải của VEC, sở dĩ suất đầu tư của dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành cao là do tuyến phải đi qua vùng địa chất, thủy văn rất phức tạp thuộc vùng ven biển, cửa sông ở khu vực Đông Nam Bộ.

Cụ thể, dự án đi qua khu vực sinh quyển rừng Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) trên nền địa chất rất yếu; đi qua vùng nhiều sông ngòi, vùng sình lầy nên phải xây dựng hơn 20km cầu và cầu cạn. Riêng từ km 21+744 đến km 32+450 dài gần 11km đã phải xây dựng ba cầu lớn, trong đó đặc biệt có hai cầu lớn có kết cấu dây văng là cầu Bình Khánh (qua sông Soài Rạp) dài 2,76km nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ của Thành phố Hồ Chí Minh (có khẩu độ nhịp chính dài 375m, trụ chính cao 155m); cầu Phước Khánh (qua sông Lòng Tàu) dài 3,18km nối huyện Cần Giờ với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (khẩu độ nhịp chính dài 300m, trụ chính cao 135m). Cả hai cầu có khổ tĩnh không thông thuyền cao 55m nhằm đảm bảo cho các tàu biển lớn trọng tải trên 50.000 DWT qua lại và được thiết kế với quy mô tương tự cầu Cần Thơ.

Cũng vì phải qua vùng đất yếu, địa hình, địa chất phức tạp nên tuyến cao tốc có hơn 20km cầu cạn, lại là cầu đôi và một phần dự án đi qua đường Vành đai 3 của Thành phố Hồ Chí Minh nên cần đến sáu nút giao (chi phí đầu tư mỗi nút giao ít nhất cũng khoảng từ 500 tỷ đồng) cùng với hàng trăm cống hộp dân sinh, cống thoát nước, các công trình phụ trợ như trung tâm điều hành giao thông, trung tâm vận hành, bảo trì, trạm dịch vụ, trạm dừng xe, trạm thu phí… và hệ thống giao thông thông minh (ITS).

Ngoài ra, 47km của dự án (đoạn tuyến km 0+000 – km 21+744 và 32+450 – 57+700) đi qua địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai thuộc khu đông dân cư nên chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn lại đi qua vùng địa chất phức tạp, phải xử lý nền đất yếu nên cần xây dựng trên 9,3km cầu và 37,7km đường cao tốc bốn làn xe chạy.

Đại diện VEC cho rằng, suất đầu tư đường ôtô cao tốc tại Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đặc điểm của sản phẩm xây dựng, thông tin về các dự án, kinh nghiệm xây dựng, biến động của mặt bằng giá… Trong hệ thống các tuyến đường cao tốc Việt Nam do VEC làm chủ đầu tư thì các suất đầu tư của mỗi dự án chênh nhau khá lớn. Cụ thể, cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình có suất đầu tư gần 8,6 triệu USD/km; cao tốc Nội Bài-Lào Cai là gần 6 triệu USD/km, cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi là hơn 12 triệu USD/km, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây là xấp xỉ 18 triệu USD/km trong khi cao tốc Bến Lức-Long Thành lên đến gần 26 triệu USD/km.

Các suất đầu tư các dự án đường cao tốc Việt Nam còn thấp hơn so với một số tuyến cao tốc khác của khu vực như ở Hàn Quốc (tuyến số 600 có suất đầu tư 38,8 triệu USD/km, tuyến Sangjoo-Yeongduk 21,8 triệu USD/km, tuyến Sangjoo-Yeongduk đoạn số 13 có suất đầu tư 62,5 triệu USD/km), ở Nhật Bản (cao tốc Tomei 39,6 triệu USD/km, cao tốc Bắc Kanto 65 triệu USD/km và Shintomei 206,7 triệu USD/km)…

Để giảm dần suất đầu tư các dự án đường cao tốc ở Việt Nam, VEC đưa ra giải pháp tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi tất cả các gói thầu của dự án nhằm tìm ra nhà thầu tốt nhất, giá cả cạnh tranh nhất. VEC đang đề xuất một số dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư để kêu gọi vốn nước ngoài và trong nước đầu tư vào đường cao tốc ở Việt Nam; tiếp tục tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài vào tham gia dự án với nhiều hình thức.

Mặt khác, VEC cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cần nhanh chóng hoàn thiện cập nhật quy hoạch ngành và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về hệ thống đường cao tốc để có cơ sở đối chiếu so sánh suất đầu tư với tiêu chuẩn tuyến đường cao tốc theo thông lệ quốc tế.

Dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành dài gần 58km, đi qua các tỉnh Long An (huyện Bến Lức, Cần Giuộc); Thành phố Hồ Chí Minh (huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) và tỉnh Đồng Nai (huyện Nhơn Trạch, Long Thành), được khởi công xây dựng ngày 19/7/2014 tại gói thầu J2 và triển khai thi công các gói thầu A1, A2-1, A2-2 và A3 từ ngày 21/3/2015.

Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với bốn làn xe hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư (giai đoạn một) là 31.320 tỷ đồng (tương đương hơn 1,6 tỷ USD), trong đó vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á là 636 triệu USD, vốn vay của JICA Nhật Bản là 635 triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục