Venezuela vẫn tăng đầu tư xã hội bất chấp kinh tế khó khăn

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết bất chấp nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ suy giảm do giá dầu sụt mạnh, chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư cho các chương trình xã hội.
Venezuela vẫn tăng đầu tư xã hội bất chấp kinh tế khó khăn ảnh 1Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Ảnh: AFP)

Trong thông điệp thường niên trước Quốc hội ngày 21/1, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết bất chấp nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ suy giảm do giá dầu sụt mạnh, chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư cho các chương trình xã hội nhằm bảo vệ cuộc sống của người dân trước những khó khăn của nền kinh tế quốc dân.

Suy thoái kinh tế khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Nam Mỹ với 96% nguồn thu ngân sách dựa vào xuất khẩu dầu thô này, giảm 2,8% và lạm phát hơn 64% trong năm 2014. Nguyên nhân, theo ông Maduro, là do các thế lực thù địch gia tăng các hoạt động gây bất ổn kinh tế hòng lật đổ chính quyền hợp hiến và giá dầu giảm sâu trong những tháng cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, các chỉ số xã hội của nước này vẫn được cải thiện. Theo nhà lãnh đạo Venezuela, năm ngoái tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 5,5%, so với 5,6% năm 2013 và 5,9% năm 2012.

Để bảo đảm thu nhập của người dân không bị ảnh hưởng bởi lạm phát, Chính phủ Venezuela đã quyết định tăng lương tối thiểu 15% từ tháng Hai tới. Kể từ khi cố Tổng thống theo đường lối cánh tả Hugo Chávez lên nắm quyền năm 1999, chính phủ đã tăng lương tối thiểu 29 lần, với mức tăng bằng hoặc cao hơn tỷ lệ lạm phát.

Cũng nhằm cải thiện đời sống của nhóm người nghèo, Tổng thống Maduro đã ký thông qua các khoản trợ cấp cho 500.000 gia đình, cấp học bổng cho 450.000 học sinh và sinh viên đại học. Ngoài ra, trong năm nay, chính phủ sẽ bàn giao 400.000 nhà ở xã hội, và khánh thành nhiều công trình hạ tầng giao thông.

Trong số các biện pháp nhằm vô hiệu hóa cuộc chiến kinh tế do phái cực hữu phát động, Tổng thống Maduro cho biết sẽ tăng cường đầu tư sản xuất lương thực, giám sát các cơ sở phân phối và bảo đảm việc phân phối nhu yếu phẩm tới người dân.

Mặt khác, chính phủ sẽ đẩy mạnh sản xuất thay thế nhập khẩu và đưa ra một số thay đổi trong quản lý hối đoái, theo đó tư nhân được phép mua bán ngoại tệ. Tuy nhiên, đây chỉ là quy định mang tính tạm thời.

Trước việc giá dầu thô xuất khẩu của Venezuela giảm xuống mức 38-40 USD/thùng từ mức 90-93 USD/thùng năm ngoái, Tổng thống Maduro kêu gọi người dân đoàn kết cùng chính phủ nỗ lực khắc phục khó khăn mà ông đánh giá là “nghiêm trọng” để khôi phục nền kinh tế.

Trong thông điệp, Tổng thống Maduro cũng đề xuất sự cần thiết đưa ra thảo luận rộng rãi tại Venezuela về việc điều chỉnh giá xăng dầu tại thị trường nội địa. Giá nhiên liệu tại Venezuela rẻ nhất thế giới do chính sách bao cấp mà theo ông ở mức bất hợp lý.

Các chuyên gia kinh tế dự đoán rằng ông Maduro có thể đưa ra quyết định hạ giá bolivar, đồng nội tệ của Venezuela, với hy vọng động thái cắt giảm hoặc tạm ngưng việc bán đồng USD với tỷ giá hiện tại 6,3 bolivar/USD sẽ tác động tích cực tới ngân khố quốc gia này trong bối cảnh nguồn thu ngân sách dựa vào xuất khẩu dầu thô đang giảm và giá đồng bạc xanh tại thị trường chợ đen đang tăng gấp 27 lần.

Trong một diễn biến có liên quan, Chính phủ Venezuela vừa qua cũng đã tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về các đặc khu kinh tế và sự phát triển chiến lược với mục đích giới thiệu những tiềm năng và thế mạnh kinh tế, qua đó thu hút các nhà đầu tư và đẩy mạnh hoạt động sản xuất nội địa để tăng nguồn thu cho đất nước.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 20- 21/1 tại trụ sở Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) ở thủ đô Caracas. Hội thảo có sự tham dự của người đứng đầu các bộ ngành nước chủ nhà và đại diện của gần 180 công ty trong nước và nước ngoài như ZTE, LG, Samsung, Panasonic, Yutong, Nestle, Cherry và Haier.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 21/1 vừa đưa ra dự báo tăng trưởng của Venezuela năm nay sẽ đạt 7%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục