Vi khuẩn có trong táo nhập khẩu từ Hoa Kỳ nguy hiểm như thế nào?

Không ít người dân đang lo lắng trước thông tin về việc thu hồi táo và các sản phẩm táo caramel chế biến, đóng gói sẵn nhập khẩu từ Hoa Kỳ do nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes.
Vi khuẩn có trong táo nhập khẩu từ Hoa Kỳ nguy hiểm như thế nào? ảnh 1Táo là loại hoa quả được nhiều người dân chọn mua. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vi khuẩn Listeriosis monocytogenes có thể lan tỏa và xâm nhập vào máu gây tình trạng nhiễm trùng máu hoặc lan sang cả hệ thần kinh trung ương và não bộ gây viêm màng não.

Vừa qua, không ít người dân tỏ ra lo lắng trước thông tin về việc thu hồi táo và các sản phẩm táo caramel chế biến và đóng gói sẵn nhập khẩu từ Hoa Kỳ do nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes theo cảnh báo từ Mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN).

Thực tế, tại rất nhiều siêu thị tới các cửa hàng hoa quả sạch hay các điểm bán hoa quả đều trưng bày và treo biển giới thiệu táo nhập từ Hoa Kỳ tươi ngon.

Trước những lo lắng trên của người dân, Cục An toàn Thực phẩm đã nhanh chóng rà soát tình hình nhập khẩu sản phẩm này tại Việt Nam và cho hay, từ tháng 1 năm 2012 đến nay, chưa có các sản phẩm táo nói trên công bố tại Cục An toàn Thực phẩm.

Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến người tiêu dùng.

Về vấn đề ảnh hưởng tới sức khỏe của người do vi khuẩn Listeria Monocytogenes, Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn Thực phẩm) đưa ra một số kiến thức về loại vi khuẩn này tới người dân.

Đặc điểm: Listeria monocytogenes có nhiều trong tự nhiên, trong đất, phân súc vật, nước thải, bùn lầy, rau hỏng, đặc biệt là trong sữa và cỏ xanh không được phơi khô (cỏ khô ủ men).

Listeria monocytogenes phát triển ở nhiệt độ 1ºC- 45ºC, tốt nhất là quanh 45ºC và ở pH: 6-8, do đó nó có thể tồn tại thời gian dài trong thực phẩm.

Listeria monocytogenes là trực khuẩn gram (+), không có vỏ, không sinh nha bào. Vi khuẩn không tiết ra ngoại độc tố nhưng có nội độc tố gây hoại tử.


Cơ chế gây bệnh:

Từ đường tiêu hóa, vi khuẩn xẩm nhập vào máu và các mô, bao gồm cả bánh rau của phụ nữ có thai; từ đó vi khuẩn xâm nhập vào các tế bào mẫn cảm và nhân lên nhiều lần trong các tế bào này.

Người có nguy cơ cao nhất là trẻ sơ sinh, người trung niên, người bị tổn thương hệ miễn dịch và phụ nữ có thai. Bệnh do nhiễm khuẩn listeria (hay còn gọi là bệnh Listeriosis) có hai thể:

Listeriosis khu trú ở ruột: bệnh chỉ khu trú ở hệ thống tiêu hóa (người bệnh sẽ trải qua các triệu chứng nhẹ giống như bị cúm thường như sốt và đau mỏi cơ cũng như có hiện tượng tiêu chảy).

Listeriosis thể lan tỏa và xâm nhiễm: Sự nhiễm bệnh không tập trung tại đường tiêu hóa mà còn xâm nhập vào máu gây tình trạng nhiễm trùng máu hoặc lan sang cả hệ thần kinh trung ương và não bộ gây viêm màng não.

Những người có hệ miễn dịch yếu có thể làm cho tình trạng nhiễm khuẩn thêm nặng hơn: trẻ em, người già từ 60 tuổi trở lên, người đang trong giai đoạn dùng các phương pháp điều trị làm suy giảm chức năng miễn dịch như hóa xạ trị, người có hệ miễn dịch yếu như bị HIV/AIDS, tiểu đường, phụ nữ mang thai.

Triệu chứng lâm sàng:

Người nhiễm vi khuẩn thường bắt đầu xuất hiện vài ngày sau khi ăn/uống phải các loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, có một số trường hợp thời gian ủ bệnh kéo dài đến 2 tháng mới xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của bệnh.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thường gặp là: tiêu chảy, sốt nhẹ, buồn nôn, nôn, đau cơ, có các cơn ớn lạnh hoặc rùng mình, đôi khi có các biểu hiện giống cúm.

Trường hợp nếu xuất hiện tình trạng nhiễm listeria vào hệ thần kinh các diễn biến thường nặng hơn, có thể dẫn đến viêm não, màng não và nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh, người lớn, gây sảy thai ở phụ nữ có mang.

Thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm:

Đó là bất cứ thực phẩm tươi sống nào có nguồn gốc động vật hoặc thực phẩm bị nhiễm Listeria monocytogenes. Đặc biệt Listeria monocytogenes có nhiều trong sữa, các sản phẩm của sữa không được bảo quản lạnh thích hợp, pho mát mềm; ngoài ra còn thấy ở patê, thịt tươi sống hoặc thịt đông lạnh, gà vịt, rau quả tươi, tôm, cua, bắp cải trộn…

Biện pháp dự phòng:

- Ăn thịt đã nấu chín kỹ.

- Tiệt trùng tất cả sản phẩm sữa.

- Không bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu, luôn giữ tủ lạnh bên trong sạch sẽ (do vi khuẩn có thể phát triển từ từ trong nhiệt độ tủ lạnh).

- Tránh sử dụng phân chưa xử lý để bón rau.

- Rau sống phải rửa thật sạch trước khi ăn.

- Bác sỹ thú y, người chăn nuôi gia súc nên cẩn thận khi tiếp xúc với thai súc vật bị chết, những con vật bị ốm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục