Vì sao AT&T lại quyết định chi tiền "khủng" mua Time Warner?

Thế giới công nghệ đang chứng kiến xu hướng khá thú vị đó là các công ty viễn thông đang chuyển thành các công ty truyền thông và ngược lại.
Vì sao AT&T lại quyết định chi tiền "khủng" mua Time Warner? ảnh 1

Ngày 22/10, nhà mạng di động lớn thứ hai nước Mỹ AT&T Inc thông báo họ đã đạt được thỏa thuận mua lại tổ hợp truyền thông hàng đầu thế giới Time Warner Inc với giá trị hợp đồng là 85,4 tỷ USD.

Đến đây, một câu hỏi lớn được đặt ra là: Vì sao AT&T, một nhà mạng di động lại muốn sở hữu các thương hiệu truyền thông như CNN, HBO và Warner Bros?

Các hãng truyền thông lớn trên thế giới đã có những phân tích, mổ xẻ để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên.

Theo trang CNNMoney và Cnet, câu trả lời đầu tiên đến từ cách điện thoại thông minh đang thay đổi cuộc sống của chúng ta.

Sự phát triển của hệ thống mạng truyền dữ liệu gói di động tốc độ cao từ 3G đến 4G, rồi tới đây là 5G cùng sự đầu tư nâng cấp rất lớn cả về nền tảng phần cứng lẫn phần mềm của các hãng điện thoại di động cho sản phẩm điện thoại thông minh của họ đã mang đến cho người dùng ngày nay cơ hội tiếp cận những tiện ích thông tin di động vô cùng phong phú gồm truyền hình, phim và các hình thức video khác.

Các số liệu khảo sát mới đây cho thấy số lượng người xem và dành nhiều thời gian cho các nội dung trực tuyến qua các thiết bị di động thông minh đang ngày càng tăng, trong khi con số dành cho các loại hình truyền thông truyền thống, trong đó có truyền hình qua tivi đang giảm mạnh.

Từ xu hướng trên, các nhà lãnh đạo của hai nhà mạng di động hàng đầu nước Mỹ là Verizon và AT&T được cho là đã từ lâu để mắt tới các công ty truyền thông - những người còn đang loay hoay trước bài toán đảm bảo số lượng khách hàng trước xu hướng truyền thông di động đang ngày càng lớn mạnh - và coi đây là cơ hội kinh doanh mới khi mảng kinh doanh cốt lõi là phát triển thuê bao di động có xu hướng chậm lại.

Tuy nhiên, cách tiếp cận với giới kinh doanh truyền thông của hai nhà mạng trên lại có sự khác nhau.

Trong khi Verizon có cách tiếp cận khá bảo thủ khi chi tiền mua lại những công ty truyền thông và kinh doanh nội dung trực tuyến đang gặp khó khăn hay đã lỗi thời như Yahoo và AOL với các bản hợp đồng khá "khiêm tốn:" 4,4 tỷ USD mua lại AOL và 4,83 tỷ USD mua Yahoo thì AT&T lại chọn cách tiếp cận mang tính đánh cược lớn hơn rất nhiều.

Năm ngoái, AT&T đã chi tới 49 tỷ USD để thâu tóm DirecTV để trở thành nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lớn nhất Mỹ.

Và nay, thương vụ mua lại tổ hợp truyền thông Time Warner Inc với giá trị hơn 85 tỷ USD (và nếu cộng cả điều khoản mua lại toàn bộ cổ phiếu và các khoản nợ của Time Warner Inc thì giá trị hợp đồng lên tới 108,7 tỷ USD) của AT&T được giới phân tích đánh giá là một động thái táo bạo chưa từng có của một hãng viễn thông nhằm nắm quyền kiểm soát mảng nội dung trực tuyến đang thu hút ngày càng cao số lượng người xem.

AT&T nghĩ rằng họ cần phải đa dạng hóa; muốn sở hữu các chương trình truyền hình; và muốn giữ chặt mối quan hệ với Time Warner để không bị các đối thủ lớn giành mất. Và việc sở hữu những thương hiệu truyền thông khổng lồ như HBO sẽ hứa hẹn tạo ra những đòn bẩy thúc đẩy giá trị thương hiệu của chính AT&T.

Dịch vụ trực tuyến là một cách AT&T muốn đảm bảo rằng các khách hàng trẻ tuổi (chiếm phần lớn tổng số khách hàng của hãng cũng như Time Warner) vẫn sẽ trung thành với hãng.

Time Warner ngay lập tức cho AT&T vô số nội dung, bao gồm cả kênh phim cao cấp HBO với những bộ phim, các chương trình truyền hình đình đám như "Game of Thrones," "Silicon Valley" "VEEP." Về mặt điện ảnh, Warner Bros là nơi sản sinh ra những bộ phim nhượng quyền thương mại có giá trị khổng lồ như "Harry Potter," "Batman v Superman: Dawn of Justice."

Như vậy, rõ ràng với những tiềm lực khổng lồ về nội dung của Time Warner, AT&T có nền tảng sẵn có là hàng triệu thuê bao di động không thể bỏ qua cơ hội lớn khiến họ trở thành một "ông lớn" viễn thông-truyền thông hàng đầu nước Mỹ và thế giới dù cái giá phải trả không hề dễ chịu.

Thêm một lý do nữa khiến AT&T buộc phải quyết định thâu tóm Time Warner, đó là Google. Đây là nhận định của trang tin Wired.

Theo Wired, thế giới công nghệ hiện nay đang chứng kiến một xu hướng khá thú vị đó là các công ty viễn thông đang chuyển thành các công ty truyền thông và ngược lại các công ty truyền thông cũng lại chuyển mình thành các công ty viễn thông.

Các công ty Internet như Google, Facebook, Amazon và Netflix đang dần trở thành các công ty truyền thông mới.

Họ cung cấp một lượng lớn các video trực tuyến, đặt ra một mối đe dọa trực tiếp đến truyền hình và phim ảnh truyền thống. Nhưng họ cũng đang phát triển mảng viễn thông, đe dọa vị trí hiện tại của các hãng viễn thông như AT&T và Verizon.

Họ tài trợ cho các dự án cáp ngầm dưới biển khổng lồ liên kết với các trung tâm dữ liệu của họ. Họ cũng mua cơ sở hạ tầng cáp quang.

Facebook xây dựng thiết bị viễn thông mã nguồn mở, Google cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao, Amazon hy vọng sẽ trở thành một nhà cung cấp dịch vụ Internet ở châu Âu.

Khi điều này xảy ra, các công ty viễn thông truyền thống như AT&T buộc phải chiến đấu để chống lại. Và điều này có nghĩa là AT&T hay Verizon buộc phải vượt qua thách thức từ giới truyền thông ở phía trước. Hay nói cách khác, họ buộc phải chuyển mình thành những công ty viễn thông-truyền thông, vừa là nhà sản xuất vừa là nhà truyền tải nội dung.

Sự kết hợp giữa AT&T và Time Warner là một sự tất yếu, một đảm báo chắc chắn biến họ trở thành một đế chế viễn thông-truyền thông khổng lồ trên thế giới.

Time Warner sở hữu một mảng kinh doanh với những thương hiệu truyền thông "siêu khủng" gồm HBO, CNN, Warner Brothers, DC Comics, TBS, TNT, Cartoon Network và quyền phát sóng với nhiều sự kiện thể thao trực tiếp. Nhưng đáng buồn là họ lại không sở hữu Time Warner Cable, một thực thể độc lập mà công ty cáp Charter Communications đã mua lại hồi đầu năm nay.

Và việc trở thành "người một nhà" với AT&T sẽ giúp tổ hợp truyền thông này khỏa lấp thiếu hụt trên.

Trong khi đó, với AT&T, như phân tích ở trên, họ cũng sẽ lấp được khoảng trống về mặt sản xuất nội dung trực tuyến khi tiếp cận với kho nội dung khổng lồ của Time Warner.

Thương vụ với Time Warner sẽ khiến AT&T trở thành đối thủ lớn của Comcast, chủ sở hữu NBCUniversal, cũng như nhà mạng lớn nhất nước Mỹ, Verizon, các đối thủ đang nổi lên như Netflix, Amazon vả cả những "ông lớn" như Facebook, Google.

Điều này chắc chắn sẽ vấp phải sự kháng cự từ những đối thủ trên mà trước hết là các yêu cầu đòi cơ quan quản lý nhà nước của Mỹ xem xét tính hợp pháp của thỏa thuận mua bán-sáp nhập siêu khủng này.

Time Warner của AT&T có thể phải đối mặt với sự xem xét kỹ lưỡng từ phía Bộ Tư pháp Mỹ. Bên cạnh đó, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đã tuyên bố ngăn chặn thương vụ này nếu trúng cử.

Tuy nhiên như nhận định của trang Wired, trong một thế giới nơi truy cập Internet là một loại hàng hóa, không phải là độc quyền nhà nước hỗ trợ, thì việc một công ty viễn thông sở hữu một công ty truyền thông khổng lồ là một quyết định hợp lý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục