Vì sao quân đội Indonesia khắt khe kiểm tra trinh tiết

Vì sao quân đội Indonesia yêu cầu nữ ứng viên phải còn trinh tiết?

Tại Indonesia, kiểm tra trinh tiết là bắt buộc với nữ ứng viên quân đội và cảnh sát, đa phần là những người trong độ tuổi 18-20 và vừa tốt nghiệp trung học.
Vì sao quân đội Indonesia yêu cầu nữ ứng viên phải còn trinh tiết? ảnh 1Nữ quân nhân Indonesia. (Nguồn: BBC)

Gần đây, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thế giới (HRW) đã lên tiếng chỉ trích yêu cầu kiểm tra trinh tiết cho các ứng viên nữ ứng tuyển vào lực lượng quân đội. “Như người nguyên thủy”, “không mang tính khoa học” và “điên rồ” là những từ mà một nhà nghiên cứu của HRW, người đã phỏng vấn các nữ ứng viên quân đội miêu tả bài kiểm tra này. Vậy thực sự việc kiểm tra trinh tiết này có ý nghĩa gì?

Theo nghiên cứu của HRW, tại Indonesia, kiểm tra trinh tiết là bắt buộc với nữ ứng viên quân đội và cảnh sát, đa phần là những người trong độ tuổi 18-20 và vừa tốt nghiệp trung học. Thậm chí hôn thê của các quân nhân cũng phải trải qua bài kiểm tra này trước khi kết hôn.

Với phương pháp “kiểm tra hai ngón tay,” các bác sỹ sẽ dùng hai ngón tay kiểm tra tình trạng màng trinh để xem một người phụ nữ đã từng quan hệ tình dục hay chưa.

Tướng Fuad Basya, người phụ trách các vấn đề thông tin của quân đội Indonesia nói rằng, việc tuyển chọn nữ ứng viên quân đội còn trinh tiết là một vấn đề an ninh quốc gia. “Nếu chúng tôi không kiểm tra chặt chẽ, những người có thói quen xấu sẽ lọt được vào hàng ngũ quân đội. Trong khi đó, các quân nhân là những người có trách nhiệm bảo vệ tổ quốc, bảo vệ lãnh thổ và an ninh quốc gia.”

Ông Basya cho biết, nếu một ứng viên nữ đã không còn trinh tiết không phải vì đã kết hôn, có nghĩa là sức khỏe tinh thần của ứng viên đó không đáp ứng yêu cầu.

Một quân nhân nữ có chồng cũng thuộc quân đội thì nói rằng, “quân đội muốn có những cặp đôi khỏe mạnh. Những quân nhân nam thường phải đi công tác xa nhà. Họ muốn có căn cứ để tin vào sự chung thủy của vợ mình.”

Andreas Harsono, một trong những nhà nghiên cứu của HRW, người đã phỏng vấn 11 phụ nữ Indonesia là vợ quân nhân hay nữ quân nhân cho biết có một lần, khi một người bước ra từ phòng kiểm tra trinh tiết và nói cho những người ở bên ngoài biết điều gì đã xảy ra với cô, toàn bộ 23 ứng viên nữ đã bỏ về. Hầu hết những người đã phải trải qua bài kiểm tra đều cảm thấy xấu hổ, và nhiều người còn bị tổn thương tinh thần.

Một nữ bác sỹ quân đội cho biết, cô luôn thấy khó khăn khi phải thuyết phục các ứng viên nữ làm kiểm tra. “Đó không chỉ là một hành động sỉ nhục... Đó là một sự tra tấn. Tôi đã quyết định không bao giờ làm như vậy nữa,” vị bác sỹ này chia sẻ.

Thực tế, Indonesia không phải quốc gia duy nhất có kiểm tra trinh tiết. Tại Nam Phi, đây đang là một chủ đề nóng khi một đảng chính trị tại đây đã kêu gọi các trường trung học kiểm tra trinh tiết của nữ sinh nhằm kiềm chế tỷ lệ mang thai tuổi vị thành viên. Trong quá khứ đây cũng là cách được dùng để ngăn virus HIV/AIDS lây truyền.

Ở Anh, việc kiểm tra trinh tiết của các phụ nữ nhập cư từ Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan đã được thực hiện đến năm 1979 để phát hiện ai nói dối là mình đã được hứa hôn với đàn ông sống tại Anh. Theo đó, những người vẫn còn trinh tiết là những người có khả năng cao là nói thật. Cục Biên giới Anh sau đó đã nhận định đây là một phương pháp “hoàn toàn sai trái”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục